Image Credit & Copyright: Brad Goldpaint (Goldpaint Photography)


Tại sao cực quang này lại mang màu hồng ấn tượng như vậy?
Khi đang chụp ảnh tại hồ Crater đẹp như tranh vẽ ở bang Oregon, Mỹ vào tháng trước, bầu trời chợt sáng lên cực quang màu sắc khác thường. Mặc dù chúng ta đã có nhiều hiểu biết về cơ chế vật lý tạo ra cực quang nhưng dự báo chính xác sự xuất hiện và màu sắc của cực quang vẫn là vấn đề cần điều tra nghiên cứu.

Thông thường, như chúng ta biết, những cực quang thấp nhất xuất hiện có màu xanh lá cây. Cực quang thường bắt đầu sáng rõ ở cao độ 100 km trên bề mặt Trái Đất và liên quan đến các nguyên tử ôxy trong khí quyển bị kích thích bởi thể plasma di chuyển nhanh từ ngoài không gian. Cực quang cao nhất – khoảng 200 km – có màu đỏ, và cũng được phát ra bởi sự va chạm các nguyên tử ôxy trong khí quyển. Một số cực quang cao nhất có thể nhìn thấy – khoảng 500 km – màu xanh biển, được gây ra bởi các ion nitơ tán xạ ánh sáng mặt trời.

Khi nhìn từ mặt đất, qua các lớp cực quang, màu sắc của chúng có thể kết hợp với nhau tạo nên các lớp màu sắc độc đáo và ngoạn mục, như trong trường hợp này, là màu hồng hiếm thấy ở trên. Hai năm tới đây khi năng lượng mặt trời tăng lên cực đại, các vụ nổ hạt từ mặt trời chắc chắn tiếp tục và có khả năng tạo ra các hình ảnh cực quang ban đêm thậm chí còn đáng nhớ hơn.