Tàu tự hành khám phá sao Hoả Opportunity của NASA vừa ăn mừng kỷ niệm 9 năm làm việc trên sao Hoả - một sứ mệnh mà theo dự kiến ban đầu là chỉ kéo dài 90 ngày. Mặc dù gần đây nó đã bị khuất bóng của người em “Curiosity” nhưng Opportunity vẫn đang miệt mài làm việc và khám phá được nhiều thứ có giá trị khoa học. Được phóng vào vũ trụ vào ngày 07/07/2003, Opportunity đã hạ cánh lên một miệng núi lửa nhỏ ở thung lũng Meridiani của sao Hoả vào ngày 25/01/2004. Nó đã trải qua hơn 3.200 ngày trên sao Hoả, từ từ di chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu khác, khám phá các miệng núi lửa, các thiên thạch, những tảng đá hình thù kỳ lạ, và tìm kiếm các bằng chứng về hoạt động của nước trong quá khứ. Qua hơn 108 tháng, Opportunity đã đi được quãng đường tổng cộng là 35,48km trên sao Hoả. Sau đây là một số hình ảnh về hoạt động khám phá của tàu Opportunity trên sao Hoả trong 9 năm qua.


Tàu tự hành Opportunity của NASA thăm miệng núi lửa Victoria, ảnh chụp từ quỹ đạo bởi hệ thống High Resolution Imaging Science Experiment trên vệ tinh Mars Reconnaissance của NASA vào tháng 10/2006. Trong ảnh tàu Opportunity chỉ là một đốm nhỏ nằm ở góc trên bên phải của miệng núi lửa. Opportunity lần đầu tiên đến vành miệng núi lửa là vào ngày 27/09/2006.


Các công nhân đang hoàn thiện 2 tàu tự hành khám phá sao Hoả mới tại phòng thí nghiệm động cơ đẩy của NASA (Jet Propulsion Laboratory), 10/02/2003, ở Pasadena, California. Hai robot tự hành giống nhau này sẽ đi tìm các bằng chứng có nước tại 2 khu vực khác nhau trên hành tinh đỏ.


Tàu Rover 1 (Opportunity) và hệ thống tiếp đất. Một “kỹ sư sao Hoả” kiểm tra bên dưới hệ thống tiếp đất của Rover 1 đã lắp ráp xong. Bên trên hệ thống tiếp đất là tàu Rover 1 với các bánh xe và những tấm pin mặt trời đã được xếp lại.


Ngày 07/07/2003, tại bãi phóng Launch Complex 17-B, Cape Canaveral, Florida, tên lửa Delta II Heavy đã được phóng đi mang theo tàu tự hành Opportunity hướng đến sao Hoả.


Vào ngày Opportunity đáp xuống sao Hoả - 202 ngày sau khi nó được phóng đi – Pete Theisinger, giám đốc dự án, và Jennifer Trosper, giám đốc sứ mệnh tàu Spirit nghiên cứu bề mặt sao Hoả, tỏ thái độ vui mừng sau khi nhận được những hình ảnh đầu tiên gửi về từ tàu tự hành Opportunity của NASA.


Bên trong một miệng núi lửa bao quanh tàu tự hành Opportunity tại thung lũng Meridiani Planum trên sao Hoả trong bức ảnh màu được chụp bằng hệ thống chụp ảnh panaroma trên tàu Opportunity, 24/01/2004. Sự xáo trộn của mặt đất là do túi khí được dùng để hạ cánh. Túi khí sau đó đã xẹp và nhìn thấy ở phía dưới tấm hình.


Ảnh này được chụp bằng hệ thống camera xác định nguy hiểm phía trước của tàu Opportunity, cho thấy một góc nhìn rộng trong miệng núi lửa Victoria.


Hoàng hôn trên sao Hoả, ảnh chụp bởi hệ thống Left Panaroma Camera của tàu Opportunity, vào Sol 20 (ngày thứ 20 trên sao Hoả).


Opportunity chụp ảnh chiếc bóng của chính nó trên bề mặt sao Hoả, 26/07/2004.


Một bức ảnh do tàu Opportunity chụp vào 07/10/2004, cho thấy một tảng đá lạ bề mặt nổi cục được đặt tên là Wopmay nằm ở phần sườn thấp của miệng núi lửa Endurance.


Ảnh chụp cận cảnh mặt đất trên sao Hoả với những viên đá hình tròn nằm gần một phần của núi đá ở thung lũng Meridiani Planum gọi là Stone Mountain, 12/02/2004. Các nhà khoa học đã nghiên cứu về hình dạng của những viên đá này nhằm tìm ra những đầu mối về sự hình thành đất trên sao Hoả.


Các đám mây xuất hiện trên bầu trời sao Hoả trên miệng núi lửa Endurance chụp bởi hệ thống camera định vị của tàu Opportunity vào lúc 9h30 sáng ngày thứ 290 tàu Opportunity trên sao Hoả (16/11/2004). Các đám mây này là một phần của đám mây lớn hình thành gần xích đạo khi sao Hoả bay gần điểm xa mặt trời nhất trong quỹ đạo của nó.


Bức ảnh được chụp bởi hệ thống chụp ảnh panorama trên tàu Opportunity cho thấy hệ thống hạ cánh đã xì hết hơi, trên thung lũng Meridiani Planum, sao Hoả, 27/02/2004.


Opportunity chụp ảnh tấm chắn nhiệt của nó trong ngày thứ 325 trên sao Hoả (22/12/2004). Thành phần chính của tấm chắn nhiệt đã hoàn thành nhiệm vụ nằm ở bên trái. Một phần khác nằm ở giữa bên trên trong ảnh.


Những gì còn sót lại của tấm chắn nhiệt đã bảo vệ tàu Opportunity khỏi sức nóng hơn 1000 độ C khi nó tiến vào bầu khí quyển của sao Hoả. Tấm ảnh này được chụp vào ngày thứ 335 trên sao Hoả (02/01/2005).


Ảnh chụp cách đụn cát trên sao Hoả bởi tàu Opportunity, 06/08/2004. Các đụn cát ở tiền cảnh cao khoảng 1m.


Ảnh chụp một tảng đá có tên “Block Island”, viên đá thiên thạch lớn nhất đã được tìm thấy trên sao Hoả. Các phân tích về thành phần của “Block Island” khẳng định nó có chứa nhiều sắt và niken. Kích thước của viên đá này là khoảng 60cm ngang.


Trận bão bụi đầu tiên tàu Opportunity quan sát được trên sao Hoả. Các trận gió lốc đã xuất hiện trong một bức ảnh chụp theo hướng định sẵn hàng ngày bởi hệ thống chụp ảnh panorama ngay sau một chuyến đi vào ngày thứ 2.301 trên sao Hoả, 15/07/2010.


Ảnh chụp vách đá “Payson” ở góc phía Tây của miệng núi lửa Erebus chụp ở ngày thứ 744 của tàu Opportunity trên sao Hoả (26/02/2006).


Tàu tự hành song sinh với Opportunity, Spirit, ngày thứ 1.227 trên sao Hoả. Spirit đã bị mắc kẹt ở một vũng đất mềm vào cuối năm 2009, và lần liệc lạc cuối cùng của nó với trái đất được gửi đi vào ngày 22/03/2010.


Ảnh chụp bởi tàu Opportunity cho thấy một mục tiêu có tên “Campbell” trên tảng đá “MacKenzie” ở miệng núi lửa Endurance. Opportunity đã đào một cái lỗ trên mục tiêu với công cụ mài mòn đá, sau đó chụp bức ảnh này với thiết bị thu ảnh hiển vi, vào ngày thứ 184 trên sao Hoả (30/07/2004). Bức ảnh ghép này có chiều rộng khoảng 6cm.


Tàu Opportunity tiến sát tới đỉnh hốc “Duck Bay” dọc theo mép miệng núi lửa Victoria trong ngày thứ 952 trên sao Hoả, và chụp được bức ảnh toàn cảnh của miệng núi lửa. Hệ thống camera định vị của Opportunity đã chụp một vài tấm và ghép lại được tấm ảnh bên trọng miệng núi lửa này. Phía xa của miệng núi lửa nằm cách tàu Opportunity khoảng 800m.


Một tấm ảnh của kết cấu đá ngang ở miệng núi lửa Victoria trên vách đá Cape St. Mary, với độ cao khoảng 15m nằm dọc theo mép phía Tây của miệng núi lửa Victoria, gần điểm bắt đầu khi tàu Opportunity đi khám phá vòng quanh. Các bức ảnh độ phân giải siêu cao này cho phép các nhà khoa học đưa ra nhận định rằng đã từng bị một bãi cát lớn di chuyển ngang qua những vách đá ở miệng núi lửa Victoria, tạo nên những vết hằn ngang như vậy.


Những vệt bánh xe để lại bởi tàu Opportunity khi nó đi quanh miệng núi lửa Victoria có thể nhìn thấy rõ ràng qua bức ảnh chụp bởi camera HiRISE trên vệ tinh Mars Reconnaissance của NASA, 28/06/2007.


Tàu Opportunity leo ra khỏi miệng núi lửa Victoria, 28/08/2008, theo con đường mà nó đã đi xuống cái hố lõm đường kính 800m này gần một năm về trước.


Ảnh chụp từ tàu Opportunity cho thấy vệt bánh xe để lại trên bề mặt sao Hoả. Opportunity đã đi theo một đường cong dài 15,8m trong ngày thứ 1.160 trên sao Hoả (29/04/2007). Đây là một bãi kiểm tra hệ thống định vị “Field D-star”, giúp tàu có thể lên một lộ trình dài tối ưu quanh bất cứ chướng ngại nào để có thể đi theo hướng an toàn nhất đến điểm định trước. Phía hậu cảnh là miệng núi lửa Victoria.


Opportunity chụp ảnh chiếc bóng của chính nó vào lúc chiều muộn ở phía Đông miệng núi lửa Endeavour trên sao Hoả.


Ảnh chụp một mạch khoáng chất có tên “Homestake” bởi hệ thống Pancam (Panorama Camera) trên tàu Opportunity. Các mạch này rộng bằng cỡ ngón tay cái và dài 45cm. Oppoturnity đã phân tích nó vào tháng 11/2011 và phát hiện nó có chứa nhiều canxi và lưu huỳnh, có thể là thạch cao (canxi sulfat). “Homestake” nằm gần cạnh của đoạn “Cape York” trên vành miệng núi lửa Endeavour. Ảnh được thực hiện với màu gần như thực tế.


Khi tàu Opportunity đạt mốc 9 năm làm việc trên sao Hoả, nó đang khám phá ở khu vực Matijevic Hill, nhìn thấy trong bức ảnh chụp bởi hệ thống Pancam trên tàu. Opportunity hạ cánh xuống sao hoả vào ngày 25/01/2004. Điểm hạ cánh nằm cách vị trí hiện tại của tàu trên mép phía Tây của miệng núi lửa Endeavour khoảng 19km theo đường chim bay, hay khoảng 35,5km theo còn đường mà Opportunity đã đi.

Nguồn: The Atlantic