NASA vừa công bố họ đã lựa chọn 9 thiết bị khoa học kỹ thuật tối tân nhất, nhằm triển khai dự án đi tìm dấu hiệu sự sống ở Europa - mặt trăng của sao Mộc. Các phương tiện bao gồm máy ảnh, bản đồ nhiệt, máy phân tích hóa học, radar xuyên bề mặt và thiết bị tìm kiếm nguồn nước dưới băng sẽ được phóng lên.

"Để trả lời cho câu hỏi liệu có tồn tại sự sống trong vũ trụ (ngoài Trái Đất), trước hết cần phải tìm hiểu từ ngay hệ mặt trời. Europa là một trong những hành tinh quan trọng mà chúng tôi tin rằng, môi trường của nó hoàn hảo cho việc phát triển sự sống", John Grunsfeld - quản trị khoa học của NASA phát biểu trước báo giới.

Ông cho rằng nếu thật sự tìm thấy dấu hiệu sự sống, đó sẽ là một bước tiến rất lớn trong hiểu biết của chúng ta về vị trí của con người trong vũ trụ. Nếu có sự sống trong hệ mặt trời, đặc biệt là ở Europa, chứng tỏ điều đó còn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong thiên hà.


Europa là hành tinh được bao phủ bởi băng, với lượng nước khổng lồ bên dưới. ​

NASA lập kế hoạch cho tàu vũ trụ của họ bay khoảng 45 vòng xung quanh Europa. Quá trình này mất 2 năm rưỡi và chính thức bắt đầu vào năm 2022. Ngoài ra, Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh các thiết bị của họ sẽ không tìm kiếm sự sống trực tiếp.

"Sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta tìm thấy chất diệp lục, vốn có trong các loài thực vật ở trái đất. Nhưng chúng ta sẽ không thấy diệp lục. Sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta thấy xương hóa thạch. Nhưng điều đó cũng không xảy ra. Tìm kiếm bằng chứng của sự sống bao gồm rất nhiều yếu tố, sự tinh tế và rất khó khăn", Curt Niebur - thành viên thuộc chương trình Europa chia sẻ với Discovery News.


Thay vào đó, các nhà khoa học có thể xác định độ bao phủ của băng trên đại dương, lượng muối có trong nước và thành phần chất hữu cơ có trong các khe nứt. Ảnh độ phân giải cực cao của Europa và nhiệt độ cũng sẽ được robot gửi về. Dữ liệu này giúp các chuyên gia đánh giá xem sinh vật có thể sinh sống trên hành tinh này được hay không.

Được biết NASA sẽ phải chi đến 2 tỷ USD cho toàn bộ sứ mệnh.\

Theo Tinhte