Hello and welcome to our community! Is this your first visit?
Kết quả 1 đến 3 của 3
  1. #1
    1. Câu hỏi về cách dùng phần mềm Stellarium.

    Đây là phần mêm giả lập bầu trời trên PC. Khi tải về, phần mềm sẽ tự động xác định múi giờ, địa điểm, thời gian dựa trên thời gian và múi giờ bạn cài đặt trong máy tính. Nếu không bạn có thể tuỳ chỉnh bằng phím F6 - Địa điểm, và F5 - thời gian.
    Để xem vị trí các chòm sao và một số thứ nữa, bạn có thể di chuyển chuột về phía góc dưới cùng bên tay trái, sẽ có một cửa sổ hiện lên cho phép bạn tuỳ chọn hiển thị.
    Còn làm thế nào để biết chòm sao nào mọc vào giờ nào ứng với tháng nào thì bạn có thể lên google tìm, rất đơn giản. Stellarium chỉ hiển thị vị trí các chòm sao chứ không cung cấp những thông tin trên.

    2. Câu hỏi về việc làm kính thiên văn.
    - Để có một chiếc kính thiên văn tự chế tốt thì trước hết bạn cần kiến thức vật lý cấp 3, phần quang học để có thể xác định tiêu cự một cách chính xác. Sau đó thì có thể làm theo hướng dẫn lắp kính, tất nhiên là việc này không dễ với người mới bắt đầu vậy nên bạn có thể tham khảo chi tiết và nhờ sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm trên diễn đàn của HAS:

    3. Mình hỏi nhầm chút. tại sao tháng âm lịch vẫn có 30, 31 ngày?
    Đúng là bạn hỏi nhầm rồi, tháng âm lịch có 29 (tháng thiếu) hoặc 30 ngày (tháng đủ) cơ mà.
    Đó là vì chu kỳ biểu kiến của Mặt Trăng quay quanh Trái Đất là khoảng 29,5 ngày, nên người ta phải lấy chẵn số ngày quanh giá trị đó thôi.

    4. Tại sao Mặt Trăng không có chuyển động tự quay quanh trục như của các hành tinh quay quanh Mặt Trời ?
    Mặt Trăng CÓ quay quanh trục đấy chứ bạn. Nếu nó không quay quanh trục thì mỗi ngày bạn sẽ thấy mặt của nó quay về phía bạn khác đi một chút vì nó còn phải quay quanh Trái Đất nữa. Thực tế chu kỳ Mặt Trăng tự quay đúng bằng chu kỳ quay quanh Trái Đất nên nhìn từ Trái Đất thì dường như nó không quay vì lúc nào cũng hướng một mặt về phía chúng ta. Đó gọi là hiện tượng khóa thủy triều.

    5. Cho mình hỏi tại sao các ngôi sao khi nhìn thì nhấp nháy còn hành tinh thì không, mặc dù ánh sáng của cả 2 đối tượng đều phải đi qua bầu khí quyển.

    Các ngôi sao và các hành tinh, bằng mắt thường các bạn đều cảm nhận đó là các chấm sáng. Tuy vậy, cũng có chấm to và chấm nhỏ, điều đó phụ thuộc vào góc nhìn. Đó là góc mà mắt người quan sát nhìn hai rìa đối diện của vật thể. Góc này do đó phụ thuộc vào kích thước và khoảng cách đến vật thể. Lấy ví dụ Sao Thủy, hành tinh bé nhất trong Hệ Mặt Trời, góc nhìn tối thiểu tới hành tinh này là 4,5 giây góc (arcseconds). Còn với ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất (mà nó thậm chí còn không đủ sáng để ta thấy bằng mắt thường) có góc nhìn chỉ 0,7687 giây góc.

    Do đó, ánh sáng đến từ những ngôi sao chỉ là một chùm sáng rất mảnh và dễ dàng bị nhiễu động trong khí quyển bẻ cong, làm ngôi sao nhấp nháy. Còn ánh sáng đến từ các hành tinh thì lại "rộng" hơn nên khí quyển chỉ có thể bẻ cong một phần trong khi phần còn lại vẫn tới mắt và ta khó nhận ra sự thay đổi độ sáng của chúng, tức là chúng có vẻ không nhấp nháy.

    6. Hiện tại trên bầu trời có 2 ngôi sao cùng thẳng hàng vs mặt trăng, cho mình biết tên 2 ngôi sao đó? thank

    Chắc bạn nói đến hai hành tinh rất sáng xuất hiện ở bầu trời phía Tây. Đó lần lượt (từ chân trời tính lên) là Sao Kim và Sao Mộc. Bạn có thể tải phần mềm Stellarium tại trang web http://stellarium.org để mô phỏng bầu trời thực tế và tự tìm hai hành tinh đó nhé.

    7. ad ơi, hạt gì tạo ra hạt cơ bản ( proton, elec, ... ) hở ad? như cái bài big bang vừa nãy thì ad bảo là có giả thiết cho rằng nó dãn nở nhanh tạo ra các hạt đó ạ.

    Các hạt cơ bản được chia thành nhiều nhóm khác nhau và nó không chỉ đơn giản là ba loại hạt proton, neutron và electron chúng ta đã biết. Các nucleon (proton và neutron) được tạo thành từ hạt quark, còn electron thì được xếp vào nhóm lepton. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các hạt hạ nguyên tử vì ad cũng chưa tìm hiểu được hết.

  2. #2
    Ngày tham gia
    Jul 2015
    Bài viết
    0
    8. E biết là klq lắm nhưng nếu vận tốc vạn vật được giới hạn nhỏ hơn vận tốc ánh sáng thì liệu có vận tốc nhỏ nhất không ạ?
    Tất nhiên có vận tốc nhỏ nhất rồi, đó là -c.
    Đùa thôi, vận tốc là một đại lượng có hướng nên nó có cả dấu. Còn theo mình hiểu, ý bạn hỏi là tốc độ (độ lớn vô hướng của vận tốc) nhỏ nhất, đó là 0 (vật đứng yên so với hệ quy chiếu).

    9. Mình đc biết là mặt trăng quay 1 vòng quanh trái đất hết 27,32 ngày, bài trả lời ms đây của ad nói là chu kỳ biểu kiến của mặt trăng quanh trái đất là 29.5 ngày, vậy khác nhau như thế nào ?

    Các bạn có vẻ rất thích chị Hằng.
    Mặt Trăng quay đúng một vòng quanh quỹ đạo của nó với Trái Đất là 27,32 ngày. Nhưng khổ cái là trong thời gian đó, Trái Đất cũng quay quanh Mặt Trời. Do đó, để trở về pha ban đầu (vị trí tương đối của Mặt Trăng với Trái Đất và Mặt Trời), nó phải quay thêm khoảng 2 ngày nữa. Vì người ta nhìn pha Mặt Trăng mà làm lịch nên con số 29,5 ngày được chọn làm cơ sở cho một tháng.
    Bạn xem link sau hiểu liền: http://certificate.ulo.ucl.ac.uk/…/R...bDoc.8028.html

    10. Ad giải thích giùm mình câu: 'Khi chúng ta càng nhìn xa vào không gian, thì ta đang nhìn sâu vào quá khứ'. Vd như ta nhìn vào 1 thiên hà cách ta 12 tỉ năm ánh sáng, thì ta đang nhìn nó ở hiện tại hay đang nhìn nó ở thời điểm 12 tỉ năm trước

    Câu trả lời ngắn gọn là ta, đang ở hiện tại nghiệt ngã này, đang nhìn hình ảnh của nó ở thời điểm 12 tỉ năm trước. Tất nhiên, cũng ở thời điểm hiện tại này, có thể thiên hà đó vẫn tồn tại, nhưng ta chưa nhìn được hoặc nó đã bị làm sao đó mà ta cũng chưa nhìn được.

    11. Ad có thể giải thích rõ hơn về chuẩn tinh không ạ, định nghĩa ấy

    Chuẩn tinh là tên gọi ít dùng của một loại thiên thể, người ta hay gọi nó là quasar (đọc là qua-da). Quasar được phát hiện ra khi người ta hướng kính thiên văn quang học tới các nguồn phát sóng vô tuyến mạnh trong vũ trụ. Thay vì thấy một vụ nổ sao siêu mới hay một thiên hà thì họ lại thấy một chấm sáng như một ngôi sao bình thường, họ gọi nó là quasar. Quasar là tên ghép của hai từ "quasi" (gần như) và "star" (sao). Nó giống sao ở chỗ quan sát qua kính thiên văn quang học thì nó là một điểm sáng như các sao khác. Tuy nhiên, chúng lại rất khác ở chỗ chúng vô cùng sáng, sáng đến mức hơn hàng nghìn lần tất cả sao trong một thiên hà cộng lại (!!!). Sáng như thế mà ta vẫn chỉ thấy qua kính thiên văn thôi là bởi vì chúng ở rất xa chúng ta, hàng tỷ năm ánh sáng.
    Có nhiều giả thuyết về sự hình thành quasar, trong đó có giả thuyết được nhiều người công nhận gọi là Thuyết thiên hà hoạt động (active galaxy theory). Theo thuyết này thì mọi thiên hà đều có một lỗ đen siêu nặng ở trung tâm. Khi vật chất lao vào lỗ đen này, chúng sẽ tạo thành một đĩa bồi tụ xung quanh lỗ đen và trở thành một nguồn bức xạ rất mạnh, phát thành xung vật chất dọc theo trục thiên hà. Nếu nhìn ngang mặt phẳng thiên hà này, chúng ta sẽ thu được tín hiệu của một thiên hà phát sóng vô tuyến, nếu nhìn thẳng hướng trục thì sẽ là một blazar, còn nhìn nghiêng thì sẽ thấy nó rất sáng, và chính là quasar.
    Tuy nhiên không phải lúc nào lỗ đen đó cũng có vật chất lao vào như vậy, nên không phải thiên hà nào cũng có một quasar. Tuy nhiên, có thể nó đã từng có, hoặc sẽ có.
    Các bạn xem video sau để hiểu thêm chi tiết: https://www.youtube.com/watch?v=fThGKOgSo5I

    12. Chào ad, ban vui lòng cho mình hỏi là sao trong Hệ mặt trời, tất cả các hành tinh, thiên thể , tiểu hành tinh, vành đai Kuiper, ... quay quanh Mặt Trời theo hình cái đĩa dẹt ( tuy có chênh lệch nhưng cũng tương đối "phẳng"), mà tại sao các hành tinh, thiên thể , tiểu hành tinh, vành đai Kuiper, ... đó không quay vòng quanh Mặt Trời theo hình cầu, trong khi Mặt Trời là trung tâm của hình cầu đó. Xin cảm ơn ad.

    Hệ Mặt Trời hình thành từ một đĩa dẹt, dẹt tức là không phồng, còn nó cũng không phẳng lắm vì toàn là khí và bụi thôi. Xét một hạt bụi trong hằng hà sa số các hạt đó, nó nhẽ ra phải quay tròn rất ngoan ngoãn quanh Mặt Trời phải không. Nhưng thế thì tại sao các hành tinh lại sinh ra được nếu tất cả bụi đều quay tròn đều như nhau giống cái đu quay?

    Đó là vì có những hạt bụi đó không giống nhau, có hạt to hạt nhỏ, và do đó chúng còn gây ảnh hưởng lẫn nhau. Hạt bụi nhỏ bé đáng thương của chúng ta rất có thể bị "hạt bụi" (thực ra là một tảng đá) lớn bên cạnh hút dính vào. Các nhiễu loạn đó dần dần gây ra sự mất cân bằng trên toàn bộ cái đĩa dẹt. Và các tảng đá to tiếp tục to cho tới khi thành các lõi hành tinh, rồi hành tinh.
    Như vậy, những nhiễu loạn ban đầu đã làm mất cân bẳng lực hấp dẫn trong đĩa dẹt và làm các hạt bụi đi khỏi quỹ đạo của chúng. Vậy thì các hành tinh khi hình thành từ hàng tỷ tỷ tỷ hạt bụi thì sao có thể giữ nguyên được quỹ đạo tròn đều đẹp đẽ hoàn hảo của một tảng đá "đại ca" ban đầu?

    Vì ra khỏi quỹ đạo tròn, nó phải quay với quỹ đạo elip với Mặt Trời nằm ở tiêu điểm. Tuy nhiên, đây là các quỹ đạo elip gần tròn, độ lệch tâm dưới 0,1, trừ hành tinh gần Mặt Trời nhất, bị nhiễu loạn nhất nên độ lệch tâm lên tới tận...0,2.
    Có bạn sẽ hỏi, khi bị lệch khỏi quỹ đạo như vậy thì sao nó không lao về phía Mặt Trời mà lại vẫn quay được với quỹ đạo elip? Hãy nhớ lại bài toán ném một hòn đá, bạn có ném cách nào thì hòn đá cũng rơi xuống đất. Nhưng nếu ném với tốc độ cao hơn 7,9 km/s (vận tốc vũ trụ cấp 1), thì hòn đá sẽ quay quanh Trái Đất theo quỹ đạo tròn. Nếu ném mạnh hơn, hòn đá sẽ bay ra vũ trụ mất? Không, nó chưa đủ tuổi! Nó sẽ văng cao hơn nhưng rồi vẫn bị Trái Đất hút lại và quay quanh Trái Đất với quỹ đạo elip. Nếu ném mạnh hơn nữa, tới 11,2 km/s, thì nó mới thực sự gút bai được Trái Đất và đi vào vũ trụ, nhưng...phải quay quanh Mặt Trời.
    http://www.thestargarden.co.uk/NewtonAndGravity.html

    13. - Cho cháu hỏi tại sao ông mặt trời lại có màu vàng.

    Chào cháu, ông Mặt Trời nhìn từ mặt đất thì đúng là có màu vàng. Cho nên Hà Nội mấy hôm nay mới phát sợ cái màu vàng của ông í chứ. Nhưng mà ngoài không gian thì ông í có màu trắng. Trước hết phải giải thích tại sao lại thế đã.
    Trong lõi Mặt Trời xảy ra các phản ứng nhiệt hạch tỏa năng lượng vô cùng lớn, bức xạ gamma bước sóng rất ngắn. Nhưng con đường để các sóng này ra đến bề mặt Mặt Trời thì rất là gian nan, mất hàng triệu năm luôn. Trên đường đi chúng tương tác và suy yếu đi nhiều, cho nên khi tới bề mặt, bước sóng ngắn ban đầu đã dài ra đến vùng khả kiến (bảy màu: đỏ cam vàng lục lam chàm tím) , trong đó vùng xanh lục là mạnh nhất và ở trung tâm. Con người, với tư cách là động vật tiến hóa cao cấp, đã phát triển đôi mắt nhạy với vùng này nhất. Do đó, mắt con người nhạy nhất với màu xanh lục. (Bây giờ người ta làm bảng viết màu xanh lá cây cho dịu mắt, và khi mỏi mắt, hãy nhìn vào lá cây. À tiện thể nói về lá cây, thực vật trên Trái Đất cũng tiến hóa hàng triệu năm và những loài nào có lá màu xanh nhận được nhiều năng lượng Mặt Trời nhất để quang hợp thì tồn tại cho đến ngày nay). Đôi mắt này nhìn ánh sáng Mặt Trời ở dải sáng khả kiến kia và cộng gộp chúng lại thành màu trắng.

    Tuy vậy, ánh sáng màu trắng gồm bảy màu đẩy đủ đó khi đi qua khí quyển giàu oxy của Trái Đất lại bị tán xạ mất đi phần màu lạnh, cho nên ta thấy bầu trời màu xanh. Các bước sóng còn lại tổ hợp lại tạo thành màu vàng, đó chính là màu của giọt nắng bên thềm.
    Mở rộng thêm là khi bình minh hoặc hoàng hôn, ánh sáng Mặt Trời phải đi qua lớp khí quyển dày hơn lúc giữa trưa, nên bị tán xạ mạnh hơn, làm nó ngả sang cả màu cam rồi đỏ. Đó cũng là nguyên nhân đầu tiên làm cho Mặt Trăng nguyệt thực có màu đỏ.
    https://www.youtube.com/watch?v=NafbGOQBlQs

    14. - Mình hay thấy ad nhắc đến việc 2 thiên hà sát nhập lại với nhau nhưng mình chưa hiểu rõ lắm vấn đề này vì theo như mình biết các ngôi sao (vd như mặt trời) ko di chuyển, thì làm sao cả 1 thiên hà lại bị sát nhập vào với thiên hà khác đc? Và nếu như vậy thì các ngôi sao cùng các hành tinh sẽ va chạm vào nhau hay sao? Ad giải thích giùm với, xin cám ơn

    Các ngôi sao hầu như không di chuyển nếu...bạn nhìn bằng mắt thường.
    Chứ còn thông qua máy móc tính toán, thì chúng di chuyển ác liệt ấy chứ. Mặt Trời chúng ta cũng còn phải quay quanh Ngân Hà với chu kỳ 225 triệu năm (tốc độ là 220km/s). Còn so với các ngôi sao lân cận, Mặt Trời còn di chuyển với tốc độ khoảng 20km/s về phía một điểm gần sao Chức Nữ.
    Tất cả đều là do lực hấp dẫn khiến các thiên thể di chuyển không ngừng trong vũ trụ (nếu bạn học triết học thì sẽ thấy người ta nói thuộc tính của vật chất là vận động trong không gian và thời gian, tức là không có vật chất nào tuyệt đối tĩnh tại). Do vậy, hai thiên hà gần nhau rất có thể sẽ hút nhau bằng lực hấp dẫn cực mạnh. Ví dụ rõ ràng nhất là Ngân Hà và Thiên hà Tiên nữ đang "lao vào nhau" với tốc độ 110 km/s. Chúng sẽ va chạm với nhau sau 4 tỷ năm nữa.
    Tuy vậy thiên hà không phải là cái đĩa đặc, các ngôi sao ở cách nhau khá xa nếu so sánh với kích thước của chúng. (Ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất là 4 năm ánh sáng) Cho nên khi hai thiên hà va chạm với nhau thì các ngôi sao ở gần tâm là có khả năng xảy ra nhiều va chạm giữa các thiên thể nhất (Nhất là hai siêu lỗ đen ở hai tâm sẽ va vào nhau), còn các ngôi sao ở xa thì...do ăn ở thôi.

    https://www.youtube.com/watch?v=4disyKG7XtU

  3. #3
    Ngày tham gia
    Jul 2015
    Bài viết
    0
    15. Cho mem hỏi: trong vũ trụ điểm tận cùng nằm ở đâu ạ"

    Vũ trụ hữu hạn nhưng vô biên.
    Vũ trụ là không gian ba chiều nhé. Nhưng ngoài nó còn có chiều thứ tư, thứ năm... nữa. Giờ tưởng tượng ba chiều của vũ trụ là một cái mặt cầu hai chiều đi. Khi vũ trụ giãn nở giống như mặt một quả bóng bay giãn nở, các điểm trên nó ngày càng xa nhau. Giờ bạn là một điểm trên đó, bạn có đi đằng nào thì đi, cũng không thấy biên của nó đâu đúng không.
    Nhưng rõ ràng mặt cầu đó có kích thước hữu hạn. Thế thì vũ trụ giãn nở trong không gian bốn chiều cũng như vậy. Ta biết kích thước của nó, nhưng đi mãi đi mãi ta chả đâm đầu vào bức tường nào cả. Bề mặt Trái Đất này cũng là hữu hạn nhưng vô biên đó.


    16. Ad ơi cho em hỏi ở khoảng cách giữa hai thiên hà có tồn tại cái gì không?

    Ranh giới ngoài cùng của Hệ Mặt Trời thì có nhiều kiểu phân định, trong đó có một kiểu lấy ranh giới vùng tác động của gió Mặt Trời (dòng plasma phát ra từ Mặt trời), gọi là quang cầu, làm chuẩn. Phía ngoài quang cầu gọi là Môi trường liên sao. Nó bao gồm chủ yếu là khí (các đám mây ion, nguyên tử hoặc phân tử), bụi và tia vũ trụ. Ngoài một thiên hà thì gọi là Môi trường liên thiên hà. Nó chủ yếu bao gồm Hydro ion hóa (electron tách khỏi proton trong nguyên tử Hydro). Vùng không gian này có nhiệt độ đến hàng triệu độ K. Bên cạnh chúng còn có một phần lớn là vật chất tối (loại vật chất không phát sáng mà ta không thể quan sát được, chiếm hầu hết khối lượng vất chất trong vũ trụ).

    17. ad ơi, UY Scuti mà kết thúc cuộc đời thì nó thành gì ạ ?

    Ngôi sao này đang ở giai đoạn già cỗi của nó, tức là trở thành một sao siêu khổng lồ đỏ (Red supergiant) rồi. Phần nhân của nó đã dùng hết Hydro để tạo thành Heli và đang tiếp tục tổng hợp các nguyên tố nặng hơn từ Heli. Còn phản ứng nhiệt hạch của Hydro lại tiếp tục xảy ra ở lớp ngoài, khiến ngôi sao phồng to khủng khiếp như vậy. Nó sẽ tiếp tục tổng hợp các nguyên tố nặng hơn cho tới khi nhân của nó tổng hợp Sắt (nguyên tố có hạt nhân bền nhất) và không tổng hợp được tiếp nữa. Lúc này năng lượng của phản ứng nhiệt hạch không còn, lực hấp dẫn sẽ làm toàn bộ ngôi sao sụp vào trong tạo thành một vụ nổ siêu tân tinh.


 

Các Chủ đề tương tự

  1. Sắp diễn ra hai sự kiện thiên văn kỳ thú
    Bởi adminphim trong diễn đàn Tin quốc tế, tin dịch
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 30-05-2012, 01:07 PM
  2. Các câu hỏi thú vị về Kính thiên văn
    Bởi trong diễn đàn Kính thiên văn
    Trả lời: 9
    Bài viết cuối: 09-04-2012, 11:26 AM
  3. Kính thiên văn lớn nhất thế giới giúp thoát khỏi ngày tận thế
    Bởi hoanglong trong diễn đàn Tin quốc tế, tin dịch
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 18-03-2012, 08:23 AM
  4. Những bức họa thiên văn đầu thế kỷ 19
    Bởi hoainam100 trong diễn đàn Phim , Ảnh thiên văn
    Trả lời: 3
    Bài viết cuối: 25-02-2012, 12:45 PM
  5. Giải đáp thắc mắc về kính thiên văn của bạn!
    Bởi vanlestlvn trong diễn đàn Kính thiên văn
    Trả lời: 9
    Bài viết cuối: 17-01-2011, 01:35 PM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •