1. Câu hỏi về cách dùng phần mềm Stellarium.

Đây là phần mêm giả lập bầu trời trên PC. Khi tải về, phần mềm sẽ tự động xác định múi giờ, địa điểm, thời gian dựa trên thời gian và múi giờ bạn cài đặt trong máy tính. Nếu không bạn có thể tuỳ chỉnh bằng phím F6 - Địa điểm, và F5 - thời gian.
Để xem vị trí các chòm sao và một số thứ nữa, bạn có thể di chuyển chuột về phía góc dưới cùng bên tay trái, sẽ có một cửa sổ hiện lên cho phép bạn tuỳ chọn hiển thị.
Còn làm thế nào để biết chòm sao nào mọc vào giờ nào ứng với tháng nào thì bạn có thể lên google tìm, rất đơn giản. Stellarium chỉ hiển thị vị trí các chòm sao chứ không cung cấp những thông tin trên.

2. Câu hỏi về việc làm kính thiên văn.
- Để có một chiếc kính thiên văn tự chế tốt thì trước hết bạn cần kiến thức vật lý cấp 3, phần quang học để có thể xác định tiêu cự một cách chính xác. Sau đó thì có thể làm theo hướng dẫn lắp kính, tất nhiên là việc này không dễ với người mới bắt đầu vậy nên bạn có thể tham khảo chi tiết và nhờ sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm trên diễn đàn của HAS:

3. Mình hỏi nhầm chút. tại sao tháng âm lịch vẫn có 30, 31 ngày?
Đúng là bạn hỏi nhầm rồi, tháng âm lịch có 29 (tháng thiếu) hoặc 30 ngày (tháng đủ) cơ mà.
Đó là vì chu kỳ biểu kiến của Mặt Trăng quay quanh Trái Đất là khoảng 29,5 ngày, nên người ta phải lấy chẵn số ngày quanh giá trị đó thôi.

4. Tại sao Mặt Trăng không có chuyển động tự quay quanh trục như của các hành tinh quay quanh Mặt Trời ?
Mặt Trăng CÓ quay quanh trục đấy chứ bạn. Nếu nó không quay quanh trục thì mỗi ngày bạn sẽ thấy mặt của nó quay về phía bạn khác đi một chút vì nó còn phải quay quanh Trái Đất nữa. Thực tế chu kỳ Mặt Trăng tự quay đúng bằng chu kỳ quay quanh Trái Đất nên nhìn từ Trái Đất thì dường như nó không quay vì lúc nào cũng hướng một mặt về phía chúng ta. Đó gọi là hiện tượng khóa thủy triều.

5. Cho mình hỏi tại sao các ngôi sao khi nhìn thì nhấp nháy còn hành tinh thì không, mặc dù ánh sáng của cả 2 đối tượng đều phải đi qua bầu khí quyển.

Các ngôi sao và các hành tinh, bằng mắt thường các bạn đều cảm nhận đó là các chấm sáng. Tuy vậy, cũng có chấm to và chấm nhỏ, điều đó phụ thuộc vào góc nhìn. Đó là góc mà mắt người quan sát nhìn hai rìa đối diện của vật thể. Góc này do đó phụ thuộc vào kích thước và khoảng cách đến vật thể. Lấy ví dụ Sao Thủy, hành tinh bé nhất trong Hệ Mặt Trời, góc nhìn tối thiểu tới hành tinh này là 4,5 giây góc (arcseconds). Còn với ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất (mà nó thậm chí còn không đủ sáng để ta thấy bằng mắt thường) có góc nhìn chỉ 0,7687 giây góc.

Do đó, ánh sáng đến từ những ngôi sao chỉ là một chùm sáng rất mảnh và dễ dàng bị nhiễu động trong khí quyển bẻ cong, làm ngôi sao nhấp nháy. Còn ánh sáng đến từ các hành tinh thì lại "rộng" hơn nên khí quyển chỉ có thể bẻ cong một phần trong khi phần còn lại vẫn tới mắt và ta khó nhận ra sự thay đổi độ sáng của chúng, tức là chúng có vẻ không nhấp nháy.

6. Hiện tại trên bầu trời có 2 ngôi sao cùng thẳng hàng vs mặt trăng, cho mình biết tên 2 ngôi sao đó? thank

Chắc bạn nói đến hai hành tinh rất sáng xuất hiện ở bầu trời phía Tây. Đó lần lượt (từ chân trời tính lên) là Sao Kim và Sao Mộc. Bạn có thể tải phần mềm Stellarium tại trang web http://stellarium.org để mô phỏng bầu trời thực tế và tự tìm hai hành tinh đó nhé.

7. ad ơi, hạt gì tạo ra hạt cơ bản ( proton, elec, ... ) hở ad? như cái bài big bang vừa nãy thì ad bảo là có giả thiết cho rằng nó dãn nở nhanh tạo ra các hạt đó ạ.

Các hạt cơ bản được chia thành nhiều nhóm khác nhau và nó không chỉ đơn giản là ba loại hạt proton, neutron và electron chúng ta đã biết. Các nucleon (proton và neutron) được tạo thành từ hạt quark, còn electron thì được xếp vào nhóm lepton. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các hạt hạ nguyên tử vì ad cũng chưa tìm hiểu được hết.