Vào những đêm đẹp trời, khi chúng ta nhìn lên bầu trời có thể thấy một dải sáng màu bạc vắt ngang nền trời, người ta gọi đó là dải Ngân Hà ( hay còn gọi là Milkyway )


Dải Ngân Hà

Khi đến thế kỉ XVII, lần đầu tiên nhà thiên văn, vật lý, toán học, triết học người Ý Galileo Galilei sử dụng kính thiên văn của mình hướng lên bầu trời đêm và phát hiện ra rằng dải Ngân Hà là nơi tập hợp rất nhiều các ngôi sao. Cùng với sự phát triển và cải tiến kĩ thuật của các dụng cụ quan sát, dựa vào đó chúng ta đã có những hiểu biết nhất định về Ngân Hà và cũng phát hiện ra rằng trong vũ trụ còn có rất nhiều các tập hợp sao khổng lồ không kém Ngân Hà thậm chí có phần lớn hơn, các nhà thiên văn gọi chúng là "Thiên Hà" ( Galaxy ). Đến thế kỉ XX, các kính thiên văn được cải tiến mạnh mẽ về mặt kĩ thuật và một số được đưa lên quỹ đạo ( như kính thiên văn Hubble... ) đã giúp các nhà thiên văn phát hiện ra khoảng hơn một tỉ thiên hà trong vũ trụ. Vậy, định nghĩa chính xác thiên hà là gì, phân loại chúng như thế nào và các thiên hà có tương tác gì với nhau không? Cũng như các hiểu biết về Thiên Hà của chúng ta Ngân Hà ?

I. Khái niêm:
Thiên hà là một tập hợp rất lớn các sao liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn và tạo thành một hệ thống quay xung quanh tâm của hệ.



Thiên hà M81 thuộc chòm sao Ursa Major (Gấu lớn), đây là một thiên hà xoắn ốc điển hình và cho chúng ta thấy được dáng vẻ Thiên Hà của chúng ta Ngân Hà trông như thế nào khi được nhìn từ bên ngoài.

Các thiên hà khá đa dạng, có chứa từ hàng chục triệu (10^7) ngôi sao cho tới hàng ngàn tỉ (10^12) ngôi sao, đường kính từ 1.500 đến 300.000 năm ánh sáng (n.a.s). Khu vực gần tâm của thiên hà có kích thước khoảng 1.000 n.a.s và mật độ sao lớn nhất, kích thước các ngôi sao cũng lớn nhất.
Tốc độ chuyển động của các sao trong thiên hà và tốc độ quay quanh tâm của bản thân các thiên hà từ 10-20 km/s (ở các thiên hà lùn) cho tới 300-400 km/s (ở các thiên hà khổng lồ). Các thiên hà tụ họp với nhạu tạo thành một Quần tụ thiên hà ( như nhóm Local Group có 54 thiên hà có chứa cả Ngân Hà chúng ta và thiên hà hà xóm andromeda )

II- Phân Loại
Căn cứ vào hình dạng của các thiên hà đã nghiên cứu, đầu những năm 20 của thế kỉ XX, nhà thiên văn học, nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ Edwin.Hubble đã lập ra bảng phân loại các thiên hà, gọi là “bảng phân loại Hubble”. Theo ông, có các nhóm thiên hà phân theo hình dạng:

- Thiên hà xoắn - ốc (chiếm 60%),

- Thiên hà elip (chiếm 15%),

- Thiên hà dạng thấu kính (chiếm 20%)

- Thiên hà không định hình (chiếm 3%).

Số lượng 2% các thiên hà còn lại, không có trong bảng phân loại của Hubble, gọi là các thiên hà “đặc biệt”. Đó là các thiên hà lùn.



Hình ảnh các loại thiên hà.

- Thiên hà elip (elliptical galaxy): kí hiệu E, có 8 dạng từ hình khối cầu E0, dẹt dần từ E1 đến E7, có dạng thuân dần. Chúng có hình cầu hoặc elipxôit, gồm các sao già nên có màu hơi đỏ, chứa rất ít khí và không có bụi. Khí trong các thiên hà elip rất nóng (hơn 1 triệu độ) khiến cho chúng thuộc loại các thiên hà sáng nhất.



- Thiên hà xoắn ốc(Spiral Galaxy): kí hiệu S, gồm có phần bầu hình cầu ở giữa bao gồm các sao già và phần đĩa gồm các sao trẻ cùng bụi và khí xoè ra các cánh tay (nhánh) xoắn theo cùng một chiều. Tuỳ theo mức độ nhỏ dần của bầu và sự phát triển tăng dần của các nhánh mà thiên hà xoắn có thêm các chữ cái a, b, c đi sau chữ S. Sa có bầu sáng rõ, to, còn các tay xoắn chưa rõ nét. Sb có bầu sáng kém rõ hơn, nhưng các tay xoắn khá rõ, Sc có các tay xoắn biểu lộ rõ nhất, còn bầu thì kém sáng nhất.


Một thiên hà xoắn ốc, thiên hà chong chóng ( Messier 101 hay NGC 5457).

- Thiên hà xoắn ốc gãy khúc(barred spiral galaxy - còn gọi là thiên hà xoắn có thanh ngang): kí hiệu SB, có một trục thẳng kéo dài từ tâm ra trước khi xoắn ốc theo 3 sạng SBa, SBb, SBc tuỳ theo độ mở rộng của nhánh và kích thước nhỏ dần của bầu.


Thiên hà xoắn ốc có thành UGC 12158
- Thiên hà dạng thấu kính (lenticular galaxy): kí hiệu SO, có hình giống như hai cái đĩa úp vào nhau, là dạng trung gian giữa thiên hà xoắn và thiên hà elip. Loại thiêh hà này có bầu, đĩa, quầng nhưng không có các tay xoắn và không có khí giữa các sao.


Thiên hà thấu kính SO - NGC 3115

- Thiên hà vô định hình ( irregular galaxy): kí hiệu Irr hoặc Ir, gồm loại I có hình xoắn ốc bị biến dạng đủ kiểu và loại II không có hình dạng rõ rệt nào. Chúng có khối lượng tương đối nhỏ, gồm nhiều sao trẻ, nhiều khí giữa các sao (mật độ khí có thể vượt 10-15% mật độ chung), có thể có vài trung tâm tạo sao.


Thiên hà vô định hình N4631


- Thiên hà lùn: kí hiệu là d, nhỏ hơn thiên hà thông thường vài chục lần về kích thước và khối lượng, có mật độ rất thấp. Chũng cũng được chia thành các dạng elip (kí hiệu dE), cầu (dSph), không định hình (dIr) và cuối cùng là các thiên hà lùn gọn nhỏ màu lam (dBCG). Các tay xoắn ở các thiên hà lùn không phát triển. Các thiên hà dE và dSph gồm các sao già, ít khí và bụi. Các thiên hà dIr và dBCG lại có nhiều khí (đôi khí khối lượng khí còn nhiều hơn cả khối lượng sao). Các thiên hà dBCG thường diễn ra a sự tạo sao mạnh mẽ và sinh ra nhiều sao nặng màu lam nên các thiên hà này cũng màu lam.




Thiên hà lùn NGC 4214

<div align="left">
Discoverychange - HAS

</div>