<object type="application/x-shockwave-flash" width="640" height="385" data="http://www.youtube.com/v/wLKtG6sy13o">
<param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/wLKtG6sy13o">
<param name="wmode" value="transparent">
</object>


Với phần đông chúng ta trên Trái Đất, buổi sáng thì chỉ thấy Mặt Trời, buổi tối thì chỉ thấy Mặt Trăng và một vài hành tinh. Nhưng chúng ta đang nằm trong một Hệ Mặt Trời thực tế còn to hơn nhiều.

Khoảng cách trong Vũ trụ là rất lớn nên các đơn vị thông thường như mét và kilomet đều không phù hợp, thay vào đó, các nhà thiên văn sử dụng Đơn vị thiên văn (AU). 1AU là khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời, tức là khoảng 150 triệu km. Sao Thủy cách Mặt Trời 0,39 AU, Sao Mộc cách 5,5 AU và Sao Diêm Vương cách 39,2 AU (khoảng 5,9 tỷ km). Bạn phải mất hơn 6000 năm lái xe với tốc độ trên đường cao tốc từ Mặt Trời tới Sao Diêm Vương. Nhưng đó vẫn chưa phải ranh giới cuối cùng của Hệ Mặt Trời.


Hình minh họa hành tinh lùn Eris
Hành tinh lùn xa nhất là Eris có quỹ đạo chỉ là một phần nhỏ của Hệ Mặt Trời. Vành đai Kuiper, nơi có Sao Diêm Vương, Eris, Makemake và Haumea (các hành tinh lùn) trái rộng ra từ 30 đến 50AU (7,5 tỷ km). Nhưng vẫn chưa hết Hệ Mặt Trời.

Từ 80-200AU là "mặt sóng xung kích kết thúc" (termination shock), là nơi mà gió Mặt Trời với tốc độ 400km/s va chạm với môi trường liên sao (vật chất nền của vũ trụ). Các vật chất này dồn lại như hình một sao chổi tới tận khoảng cách 230AU.


Hình vẽ mô tả sự phân bố của Hệ Mặt Trời bao gồm Đám mây Oort theo thang Logarit (nguồn NASA)

Nhưng Hệ Mặt Trời được định nghĩa là giới hạn của các vật thể chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn từ Mặt Trời (giới hạn hấp dẫn). Đó là Đám mây Oort của các vật thể băng quay quanh Mặt Trời ở khoảng cách lên đến 100.000 AU, hay 1,87 năm ánh sáng. Chúng ta không thể trông thấy trực tiếp đám mây này nhưng nó là nơi phát sinh các sao chổi chu kỳ lớn liên tục đi sâu vào trung tâm Hệ Mặt Trời. Lực hấp dẫn của Mặt Trời còn chiếm ưu thế tới khoảng cách 2 năm ánh sáng, một nửa khoảng cách tới ngôi sao gần nhất là Proxima Centuri. Mọi vật thể nằm trong khoảng cách 2 năm ánh sáng này đều có thể quay quanh Mặt Trời và gia nhập Hệ Mặt Trời.

Vậy nếu bạn vẫn đang lái xe, tin buồn cho bạn là phải mất 19 triệu năm để đi ra khỏi Hệ Mặt Trời thực sự. Các tàu thăm dò của NASA đã đi xa nhất cũng phải mất 37 nghìn năm để đi nốt quãng đường đó. Vậy theo bạn Hệ Mặt Trời là to hay là nhỏ?

Nguồn: http://www.universetoday.com/104486/

Pipi_chu_9x sưu tầm - pvloc90 dịch