http://www.tinhte.vn/threads/1498675/

Cận cảnh cánh tay robot trên Curiosity.

Sau khi hoàn tất bài tập di chuyển đầu tiên, phương tiện thăm dò sao Hỏa - Curiosity của NASA hiện đã đi được 1/4 quãng đường (cách vị trí đổ bộ Bradbury 109 m) để đến điểm dừng chân quan trọng đầu tiên - khu vực giao cắt Glenelg. Giờ đây, hệ thống di động của Curiosity sẽ tạm nghỉ và nhường lại "sân khấu" cho một thành phần khác, cụ thể là cánh tay robot. Theo thông báo từ NASA, Curiosity sẽ dành ra từ 6 đến 10 ngày tới để kiểm tra cánh tay máy dài 2,1 m cũng như các công cụ được trang bị trên cánh tay.

Kỹ sư phụ trách các hệ thống xét nghiệm mẫu bề mặt và thí nghiệm khoa học của Curiosity - Daniel Limonadi cho biết: "Chúng tôi sẽ thử nghiệm cánh tay máy qua một loạt các chuyển động và đưa nó vào các trạng thái "teach points" được thiết lập sẵn khi phương tiện còn ở Trái Đất, chẳng hạn như thao tác đưa mẫu vật vào cổng nạp cho các công cụ phân tích. Những bài kiểm tra này rất quan trọng để chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về tình trạng hoạt động của cánh tay sau một chuyến đi dài đến sao Hỏa, dưới điều kiện nhiệt độ và trọng lực khác biệt trên hành tinh đỏ so với những thử nghiệm trước đó trên Trái Đất."


Vị trí hiện tại của Curiosity.

Các thử nghiệm yêu cầu một khu vực bằng phẳng với góc chiếu của Mặt Trời phù hợp và đây là lý do buộc Curiosity phải dừng lại giữa đường. Thêm vào đó, bài thử nghiệm không chỉ bao gồm các chuyển động lặp lại của cánh tay, Curiosity còn phải tiến hành cân chỉnh thiết bị ảnh hóa (Mars Hand Lens Imager) và máy đo quang phổ tia X hạt Alpha (Alpha Particle X-Ray Spectrometer) lắp trên cánh tay.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục học cách sử dụng phương tiện. Nó quả thật là một cỗ máy phức tạp," Joy Crisp - nhà khoa học đến từ phòng thí nghiệm các hệ thống đẩy phản lực (Jet Propulsion Laboratory - JPL) chịu trách nhiệm chế tạo và điều khiển phương tiện nói.

Như đã biết, Curiosity đã đổ bộ thành công xuống khu vực Bradbury thuộc miệng núi lửa Gale vào ngày 6 tháng 8 vừa qua. Sau 3 tuần tinh chỉnh, phương tiện đã thực hiện chuyến đi đầu tiên, gởi thông điệp với giọng điệu của con người về Trái Đất và bắn thử tia laser để lấy mẫu bụi.

Một khi các bài kiểm tra cánh tay máy hoàn tất, Curiosity sẽ bỏ ra vài tuần (với tốc độ di chuyển khoảng 0,144 km/h) để tiếp cận khu vực giao cắt Glenelg, đặt bước đầu tiên trong sứ mạng 2 năm nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên hành tinh đỏ.


Trang thiết bị trên cánh tay máy của Curiosity.

Cánh tay của Curiosity được chế tạo bởi bộ phận không gian thuộc công ty MDA Infomration Systems Inc, trụ sở chính tại Pasadena, California. Nó có 5 góc độ chuyển động và đủ khỏe để có thể nâng một khối lượng nặng 33 kg. Ngoài ra, cánh tay còn được trang bị một loạt các công cụ bao gồm một mũi khoan, một máy đo quang phổ, một máy khuếch đại kĩ thuật số, một bộ thu lượm mẫu vật và một cái chổi để quét bụi trên mẫu vật.

Theo: Gizmag

View more random threads: