http://www.tinhte.vn/threads/1834283/
Ngày 20 tháng 7 năm 1969, con tàu Apollo 11 của Mỹ đã đưa con người lần đầu lên mặt trăng và những bước chân đầu tiên của Neil Armstrong đã được quay và truyền hình trực tiếp về trái đất. Không chỉ cho cả thế giới thấy sự phát triển về ngành hàng không vũ trụ của Mỹ mà đoạn video được truyền trực tiếp từ mặt trăng còn là bằng chứng lịch sử về việc con người đặt chân lên đây 43 năm trước. Tài liệu của NASA có nhấn mạnh việc truyền hình trực tiếp từ mặt trăng về trái đất là rất quan trọng đối với tính xác thực của nhiệm vụ vì rất nhiều người hoài nghi về khả năng này của người Mỹ vào thời điểm đó. Thậm chí mãi đến ngày nay, khoảng 6% dân Mỹ vẫn nghĩ rằng đoạn video của NASA là hàng giả. Để giải tỏa nghi ngờ trên, nhà làm phim có nick YouTube là sgcollins đã cho đang tải đoạn clip ngắn để giải thích rằng vào những năm 1969, nhân loại chưa có đủ phương tiện kĩ thuật để làm giả phim ảnh như thế.

Đoạn clip của ông khá thú vị, trong đó ông có hài hước nói rằng ông không chắc các phi hành gia Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng vì ông khó có ở trên đó để nhìn. Tuy nhiên, có một điều ông chắc chắn: đoạn phim không thể bị làm giả. Mình xin tóm tắt lại một số điểm chính như sau:

1. Nói về nghi ngờ tấm ảnh phi hành gia đang leo từ thang của Apollo xuống được chiếu bởi nhiều nguồn sáng khác nhau trong studio, Collins bác bỏ điều này. Nếu như nó được chiếu như thế thì phải có hiện tượng đổ bóng theo nhiều hướng. Ông tiết lộ thêm rằng ông đã có kinh nghiệm 30 năm về việc ghi hình trong studio. Tương tự như vậy cho những nghi ngờ khác về ánh sáng trong các bức ảnh chụp.

2. Liệu NASA có quay video dạng slow-motion rồi phát lại để video trông có vẻ như là được thu ở môi trường trọng lực yếu của mặt trăng hay không? Không! Có hai cách để làm phim slow-motion. Cách 1: quay bình thường và phát chậm lại. Cách 2: quay ở tốc độ cực cao rồi phát lại bình thường. Trong đó, biện pháp thứ hai gọi là "overcranking" và nó trông thật hơn, chứ cách đầu tiên nhìn rất giả. Vào năm 1969, trên thế giới chưa có loại camera nào có thể quay được theo phương pháp thứ hai.

3. Hầu hết các đoạn phim tài liệu về chuyến du hành mặt trăng của Apollo mà ta xem ngày nay là những đoạn clip ngắn cắt ra từ video gốc nên có thể dễ làm giả. Nhưng vào năm 1969, 600 triệu người trên thế giới, trong đó có luôn cả Collins, đã xem đoạn video liên tục trong 143 phút. Vâng, 143 phút, tính từ khi các nhà du hành bắt đầu bật máy cho đến khi họ làm xong hết các công việc như cắm cờ, chụp ảnh, đi bộ,... Vào thời đó, để chứa được dung lượng phim như vậy là hầu như không thể.

4. Nếu quay video 30fps rồi phát lại ở tốc độ 10fps bằng cách áp dụng overcranking phim nhựa thì sao? Khi đó, chúng ta sẽ có 47 phút phim gốc và cần 5300 feet (1,6km) phim nhựa để lưu hình ảnh. Ở những năm 1969, không có thứ gì có thể giữ được cuộn phim dài tới mức đó.

5. Nếu ghi thành nhiều cuộn nhỏ thì cũng được, nhưng khi đó thì mọi người trong phòng lab rửa phim phải.... bị ám sát hết để giữ bí mật. Ngoài ra, NASA cũng cần phải tìm một cách để chuyển những thước phim này thành video, trong quá trình vận chuyển phải đảm bảo không một vết xước, không một vết bụi. Sau đó, NASA sẽ phải phát lại nhiều lần cho 5 nhiệm vụ mặt trăng kế tiếp. Riêng lần cuối cùng, video được phát với tốc độ 30fps, tức là phải quay phim gốc ở mức 60fps, khó khăn gấp đôi, cực khổ gấp đôi!

Vậy bạn có nghĩ rằng NASA cứ cho người lên mặt trăng quay đi rồi phát lại, như vậy có dễ dàng hơn nhiều không?

Xem thêm: Con người đặt chân lên mặt trăng, quay phim và truyền về Trái Đất như thế nào?

Và sau đây là đoạn phim rất thú vị của Collins, mời các bạn cùng xem

<object type="application/x-shockwave-flash" width="640" height="385" data="http://www.youtube.com/v/sGXTF6bs1IU">
<param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/sGXTF6bs1IU">
<param name="wmode" value="transparent">
</object>

Nguồn: YouTube