GAGARIN VÀ CHUYẾN BAY LÀM NÊN LỊCH SỬ



Thập niên 60 của thế kỉ trước, Liên bang Xô Viết và Hoa Kỳ cạnh tranh khốc liệt để khai mở ra kỉ nguyên chinh phục vũ trụ cho nhân loại. Và vào ngày này cách đây đúng 56 năm, người Nga đã giành chiến thắng vang dội trước đối thủ với việc phóng thành công một khoang tàu nhỏ đưa phi hành gia Yuri Gagarin bay vào không gian. Chuyến bay dù chỉ kéo dài 108 phút nhưng tạo cho Gagarin một vị trí vĩnh viễn trong các cuốn sách lịch sử với tư cách là người đầu tiên bay vào vũ trụ.


Bức tranh của Liên Xô vẽ người anh hùng Gagarin.

CUỘC ĐUA VƯƠN TỚI CÁC VÌ SAO


Năm 1957, người Nga phóng thành công Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên, qua đó dẫn đầu cuộc đua không gian. Bước tiếp theo là đưa người lên vũ trụ.
Hoa Kỳ đã lên kế hoạch gửi người vào không gian vào năm 1961. Biết điều đó, Liên Xô phải cố gắng hết sức để đánh bại Hoa Kỳ. Việc phát triển thành công tàu Vostok có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho kế hoạch của Liên Xô. Trước chuyến bay của Gagarin, họ từng phóng các khoang tàu thử nghiệm mang theo hình nộm có tên Ivan Ivanovich và một con chó, Zvezdochka. Nhiệm vụ thành công, từ đó Liên Xô sẵn sàng cho chuyến bay của con người lên vũ trụ.


Bản mẫu của khoang tàu Vostok 1.

TỪ CẬU BÉ ĐAM MÊ HÀNG KHÔNG …

Hơn 200 phi công Nga được tuyển chọn cẩn thận để trở thành ứng cử viên phi hành gia cho sứ mệnh vĩ đại. Những phi công này được coi là ưu tú nhất bởi họ đã quá quen với gia tốc ,quá trình nén cũng như làm việc trong điều kiện áp lực cao. Trung úy Yuri Alexeyevich Gagarin là một ứng cử viên như vậy.
Sinh ngày 09/03/1934, Gagarin là con thứ ba trong một gia đình có 4 anh chị em tại một ngôi làng nhỏ cách thủ đô Moscow hàng trăm cây số. Khi còn là một cậu bé, Gagarin từng chứng kiến một chiếc phi cơ Yak hạ cánh khẩn cấp xuống vùng đất gần nhà. Vài năm sau, Gagarin nhiệt tình tham dự một câu lạc bộ bay và đã tự thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1955. Sau vài năm nữa, anh tự tin đăng kí tham gia cuộc tuyển chọn phi hành gia. Xuất sắc vượt qua tất cả ứng viên, Gagarin được lựa chọn trở thành người tạo nên lịch sử.


Gagarin cùng cha và mẹ.

… CHO ĐẾN CHUYẾN BAY HUYỀN THOẠI…

Ngày 12/04/1961, 09:07 giờ Moscow, tàu Vostok 1 cất cánh từ bãi phóng của Liên bang Xô Viết. Bởi chẳng ai dám chắc tình trạng không trọng lượng sẽ tác động thế nào đến phi hành gia, cho nên khoang tàu hình cầu có rất ít công cụ điều khiển, hầu hết công việc được thực hiện tự động hoặc từ trung tâm điều khiển mặt đất. Trong tình huống khẩn cấp, Gagarin sẽ nhận được mã cấp quyền điều khiển thủ công hệ thống của tàu, tuy nhiên Sergei Korolov, tổng công trình sư của chương trình không gian Xô Viết, bỏ qua thủ tục này và đưa luôn mã cho Gagarin trước khi chuyến bay diễn ra.


Tên lửa mang khoang tàu Vostok sẵn sàng vào bệ phóng.


Gagarin trước lúc chuyến bay diễn ra.

Trên quỹ đạo, Gagarin say xưa ngắm nhìn Trái Đất xinh đẹp, điều mà chưa ai từng được chứng kiến trước đây. Sau này anh nhớ lại: “Tôi thấy các đám mây phủ bóng lên Trái Đất thân yêu… Nước nhìn có vẻ tối, có một số chỗ sáng nhẹ… Khi tôi nhìn về đường chân trời, tôi thấy có chuyển tiếp tương phản giữa bề mặt sáng của Trái Đất với bầu trời hoàn toàn tối. Tôi thích vẻ đẹp đầy màu sắc của Trái Đất. Nó được bao quanh bởi vầng hào quang màu xanh dương và dần dần tối đi, biến thành màu lam ngọc, xanh dương tối, tím và cuối cùng là sẫm đen như than”.
Trong hành trình kéo dài 108 phút, Vostok 1 bay vòng quanh Trái Đất một lần, vươn tới độ cao 327 km. Khi đang trên vùng trời châu Phi, động cơ kích hoạt để đưa Gagarin trở lại mặt đất. Tàu mang đồ dự trữ cho 10 ngày để đề phòng động cơ tàu gặp sự cố và Gagarin cần đợi cho đến khi tàu tự rơi xuống mặt đất theo kế hoạch, nhưng rõ ràng mọi thứ đều không cần thiết. Khi bay trở lại bầu khí quyển, Gagarin phải chịu đựng lực tác động mạnh gấp 8 lần trọng lực nhưng vẫn duy trì tình trạng tỉnh táo.


Khoang tàu Vostok hạ cánh.

Vostok 1 không được trang bị động cơ giảm tốc hoặc phương thức để hạ cánh an toàn, vì thế khi ở độ cao 7 km, Gagarin thoát khỏi khoang tàu và nhảy dù xuống đất. Theo quy định của Liên đoàn Hàng không Vũ tr[IMG][/IMG]ụ Quốc tế (FAI), cơ quan quan lí các kỉ lục trong ngành hàng không vũ trụ, phi công cần phải hạ cánh cùng với khoang tàu vũ trụ thì mới được công nhận. Các lãnh đạo Xô Viết đã giấu sự thật này mãi cho đến năm 1971. Tuy nhiên, xét theo hoàn cảnh công nghệ lúc bấy giờ, rõ ràng Gagarin vẫn xứng đáng được công nhận là phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ.

… VÀ TRỞ THÀNH BIỂU TƯỢNG BẤT TỬ

Sau chuyến bay, Gagarin trở thành anh hùng của toàn nhân loại. Anh được vinh danh tại Quảng Trường Đỏ trong lễ kỉ niệm hoành tráng với hàng trăm ngàn người tham dự. Sau đó, với tư cách là “báu vật quốc gia”, Gagarin thực hiện chuyến đi khắp thế giới để tôn vinh thành quả vĩ đại của nhân loại.

]
Gagarin được chào đón tại Helsinki, Phần Lan. Năm 1962.

Khi trở về, anh đảm nhiệm vai trò đại biểu tại Xô Viết tối cao và được bổ nhiệm làm chỉ huy của Chi đội Phi hành gia. Người Nga rất lo sợ cho sự an toàn của anh hùng vĩ đại, vì thế họ không muốn anh tham gia vào các sứ mệnh không gian kế tiếp. Tuy nhiên, anh vẫn được thực hiện các chuyến bay thử nghiệm cho không quân.
Vào ngày 27/03/1968, nỗi lo sợ đã trở thành sự thật, Gagarin thiệt mạng vì tai nạn khi đang lái chiếc phi cơ Mig-15. Đằng sau vụ tai nạn vẫn tồn tại rất nhiều nghi vấn.
Một năm sau, khi phi hành đoàn Apollo 11 của Hoa Kỳ hạ cánh xuống Mặt Trăng, họ đã để lại một tấm huy chương tưởng niệm ghi tên của Gagarin, cũng như huy chương tưởng niệm một phi hành gia Nga và ba phi hành gia Hoa Kỳ đã hy sinh cho sự nghiệp chinh phục không gian vĩ đại.


Tượng đài Gagarin tại Moscow, Nga.

Dịch từ Space.com và Wikiquote.org