Ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh VNREDSat-1 phục vụ công tác bảo tồn di sản văn hóa, di sản thiên nhiên ở Miền Trung

Theo định nghĩa về Di sản Thế giới của Công ước Quốc tế về Di sản thì các Di sản không còn chỉ là của quốc gia, nên cộng đồng quốc tế sẽ quan tâm, và cũng theo Công ước, duy trì danh hiệu Di sản phụ thuộc rất nhiều vào công tác bảo tồn. Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Luật di sản và hàng loạt chính sách, biện pháp cụ thể để bảo tồn và khai thác bền vững các di sản được UNESCO công nhận. Các Di sản Văn hóa và Di sản Thiên nhiên Thế giới ở miền Trung, trong đó có Quần thể Di tích Cố đô Huế (được UNESCO công nhận năm 1993) và Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (được UNESCO công nhận năm 2003) có các giá trị quan trọng. Tuy nhiên các Di sản này đang phải chịu tác động không chỉ của thiên tai ngày càng gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mà còn của các hoạt động kinh tế xã hội, như quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch (cố đô Huế), khai thác tài nguyên đất, rừng và du lịch (Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng). Các tác động này đã và sẽ tạo ra các biến động lớp phủ hiện trạng mà các vệ tinh quan sát Trái Đất có thể quan sát được. Việc vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế một cách bền vững luôn cần có thông tin về hiện trạng, về diễn thế của lớp phủ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến không gian bảo tồn.

Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của nước ta và là sản phẩm quan trọng của Chương trình Khoa học và Công nghệ Vũ trụ. Với các tính năng của vệ tinh VNREDSat-1 về các độ phân giải phổ, không gian và thời gian, dữ liệu do vệ tinh này cung cấp có khả năng thay thế một phần các dữ liệu thương mại có đặc điểm tương tự hiện có. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào phù hợp với việc phân tích không gian đô thị và phục vụ cho việc quản lý không gian công cộng, không gian xanh và khu dân cư... Dữ liệu VNREDSat-1 cũng phù hợp cho việc theo dõi lớp phủ rừng, hiện trạng sử dụng đất manh mún và xen kẽ ở các khu bảo tồn thiên nhiên. Việc nghiên cứu sử dụng dữ liệu VNREDSat-1 trong phát triển bền vững các Di sản miền Trung có nhiều ý nghĩa cả về khoa học, công nghệ, ứng dụng và cả ý nghĩa chính trị. Tiếp cận theo hướng nghiên cứu này, nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội do PGS.TS. Phạm Văn Cự đứng đầu và một số thành viên đối tác thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trường Đại học Quảng Bình, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung đã triển khai thực hiện thành công đề tài VT/UD-03/14-15: “Nghiên cứu ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và hệ thông tin địa lý phục vụ công tác bảo tổn các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên ở Miền Trung, thử nghiệm tạo Thành phố Huế và Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng”, trong thời gian từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2016. Ngày 27/8/2016, Đề tài đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước nghiệm thu và đánh giá đạt loại Khá.



Khung nghiên cứu của đề tài
Đề tài được thực hiện với hai mục tiêu chính, một là đánh giá khả năng ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 phục vụ bảo tồn Di sản Văn hóa và Di sản Thiên nhiên, góp phần quảng bá việc sử dụng sản phẩm vệ tinh VNREDSat-1; hai là phát triển nguồn lực, trong đó có nguồn lực địa phương, về nghiên cứu và ứng dụng viễn thám phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch trong bối cảnh nghiên cứu Di sản Văn hóa tại Thành phố Huế và Di sản thiên nhiên tại hai xã Sơn Trạch và Tân Trạch thuộc khu vực vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.

Hơn 2 năm thực hiện, đề tài đã đạt được các kết quả nghiên cứu bao gồm:
• Áp dụng thành công tiếp cận liên ngành theo quan điểm của UNESCO trong đánh giá và chứng minh được tính hai chiều của mối quan hệ giữa động lực phát triển do Di sản tạo ra và nhu cầu bảo tồn Di sản tại thành phố Huế và tỉnh Quảng Bình.
• Biến động lớp phủ sử dụng đất được đề tài sử dụng như chỉ báo quan trọng của các hoạt động liên quan đến phát triển, trong bối cảnh tổ hợp di tích ở thành phố Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới (1993) và cảnh quan địa chất của hệ thống hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới (2003). Có thể khẳng định, mặc dù có nhược điểm về độ rộng cảnh hạn chế, nhưng dữ liệu VNREDSat-1 hoàn toàn có thể sử dụng cho chiết xuất thông tin của các đối tượng có ý nghĩa cho công tác bảo tồn Di sản kể cả ở khu vực đô thị.


Kết quả hiệu chỉnh hình học, khí quyển và tính toán các chỉ số vật lý từ ảnh Vệ tinh VNREDSat-1
• Chứng minh được rằng Di sản Thế giới tại thành phố Huế và Quảng Bình đã thúc đẩy du lịch và thúc đẩy khối dịch vụ, thúc đẩy phát triển hạ tầng và đô thị hoá. Mặt khác, đề tài cũng chứng minh được rằng các hoạt động này lại đang tác động đến một số giá trị của hai Di sản, đặc biệt là các yếu tố cảnh quan hợp phần của Di sản.
• Tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, kết quả phân tích nhân tố cho phép kết luận về tác động của sự thay đổi sinh kế tại khu vực Sơn Trạch đưới tác động của phát triển du lịch sau 2003, đặc biệt từ 2010 trở lại đây.
• Tại Huế, việc tăng trưởng lượng du khách giúp phát triển du lịch và hạ tầng đô thị đặc biệt là sau khi UNESCO công nhận các tổ hợp di tích ở thành phố Huế là Di sản Văn hoá Thế giới, và cũng tạo được sự biến đổi tích cực về sinh kế cho cư dân sống quang các di tích. Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng kỹ thuật cũng như các nhà hàng, khách sạn cũng tạo sức ép lên một số yếu tố cảnh quan có giá trị của tổ hợp di tích ở các khoảng cách khác nhau.
• Trong hơn hai năm triển khai đề tài, nhóm tác giả đã xây dựng được một nhóm làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Viện nghiên cứu Khoa học Miền Trung của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Quảng Bình, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Tri thức về bảo tồn của các chuyên gia ở Huế và ở Vườn Quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập khung lý thuyết ngay từ lúc mới triển khai. Điều này cho phép tạo cách tiếp cận liên ngành cho đề tài, giúp các kết quả thực tiễn và sát với ứng dụng hơn. Thực tế hợp tác đã giúp đề tài tạo được một nhóm công tác ở địa phương nhằm hợp tác nghiên cứu ứng dụng viễn thám trong tương lai.
Ngoài ra, Đề tài công bố 02 bài báo quốc tế và 03 bài báo trong nước, góp phần đào tạo 05 cử nhân địa lý của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 02 học viên cao học và 01 nghiên cứu sinh với đề tài về đô thị hoá ở thành phố Huế.

Nguồn tin: Phạm Văn Cự - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Xử lý tin: Minh Tâm
Nguồn: http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kie...n-o-mien-trung