<object type="application/x-shockwave-flash" width="640" height="385" data="http://www.youtube.com/v/_nyEoOcGhjM">
<param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/_nyEoOcGhjM">
<param name="wmode" value="transparent">
</object>


Nội dung chính:

+ Chòm sao chìa khóa của bầu trời tháng 7: Tam giác mùa hè, Thiên Nga
+ Chòm sao dễ nhận dạng: Ophiuchus, Cung thủ nhân mã, Thiên cầm, Thiên Nga, Đại Bàng, Cassiopeia ...
+ Các hành tinh: Sao Thổ, Sao Mộc và Sao Hỏa
+ Các vật thể tối: M16 (Eagle nebula)
+ Sự kiên thiên văn: Mưa sao băng Perseids 12-15/8



-----
Kịch bản

Tháng 8 mùa thu, thời tiết ở một số vùng miền dường như đã bớt phần oi bức.


Đối với những người quan sát ở miền Trung, có lẽ đây là khoảng thời gian cuối cùng trong năm có thể ngắm bầu trời đêm một cách thuận lợi. Còn đối với những người quan sát ở miền Bắc và miền Nam, các bạn vẫn có thể hi vọng vào một đêm đẹp trời sau những ngày mưa nắng thất thường.
Tháng 8 với tam giác mùa hè rực rỡ như những viên kim cương quý giá cùng dòng sông ngân khi mờ khi tỏ tạo nên những nét chấm phá đầy mê hoặc trên bức tranh của vũ trụ huyền bí. Khi ngắm nhìn vẻ đẹp của nó, chúng ta không quên nhắc lại câu chuyện buồn về mối tình Ngưu Lang- Chức nữ, và cũng liên quan đến tam giác này, mà cụ thể ở đây là chòm sao Thiên Nga, có thể một số người sẽ nghĩ đến nhà khoa học Nguyễn Quang Riệu, một người con nước Việt đã có những thành công vang dội nơi xứ người. Tính đến nay, vị Giám đốc nghiên cứu danh dự Đài Thiên Văn Paris đã cho công bố trên 150 công trình nghiên cứu tại nhiều hội nghị khoa học lớn và trên các tạp chí khoa học uy tín về bức xạ vô tuyến, hồng ngoại trong vũ trụ và sự tìm kiếm chất hữu cơ trong những thiên hà… Đặc biệt, năm 1972, khi ở tuổi 40, ông đã xác định được vụ nổ trên chòm sao Thiên nga. Sau đó, phát hiện này đã được giới thiệu trong toàn bộ một số của tạp chí khoa học nổi tiếng Nature. Chính những nỗ lực "chinh phục vũ trụ" đó đã đưa ông đến với giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp về thiên văn vật lý năm 1973.

Tam giác mùa hè cũng chính là một chiếc chìa khóa của bầu trời, từ nó bạn có thể tìm ra một số chòm sao khác đã được giới thiệu trong clip những tháng trước. Ví dụ như khi kéo dài cánh của Thiên Nga về bên trái, bạn sẽ tìm được một hình tứ giác rất dễ nhận biết, đó chính là đầu rồng Draco. Hoặc, nếu kéo dài đoạn thẳng từ sao Deneb đến Vega thêm một đoạn dài gấp đôi khoảng cách của hai sao, ta sẽ tìm được chàng dũng sĩ Hercules. Cũng tương tự như vậy, lần này bạn hãy thử tìm cái ấm trà quen thuộc của Cung Thủ-Sagittarius nhé, chỉ cần vẽ một đường thẳng đi từ sao Deneb, qua Altair, rồi tiếp tục đi thẳng thêm cũng một đoạn như thế, bạn sẽ tìm thấy Cung Thủ cùng một vùng trời đầy ắp sao sáng ở phía Nam.
Ngay từ khi màn đêm vừa buông xuống cho đến tận đêm khuya là thời gian mà chòm sao được coi như cung hoàng đạo thứ 13 ngự trị trên bầu trời – chòm Ophiuchus – Người giữ rắn. Ophiuchus thường được gán cho Asclepius, một thầy thuốc danh tiếng người Hi Lạp. Chuyện kể rằng Asclepius được một con rắn thần dạy cho khả năng chữa bệnh từ cây cỏ, tài năng của chàng làm cho Diêm vương Hades tức giận và ông ta đã thuyết phục thần Zeus giết chết chàng. Thế rồi, thần Zeus đã đưa chàng lên bầu trời cùng con rắn của mình tức chòm sao Con rắn – Serpens. Cũng vì thế, Asclepius được coi là vị thần của y khoa, còn biểu tượng của ngành dược chính là con rắn quấn quanh cái ly. Chòm Ophiuchus nằm giữa Bọ Cạp và chàng dũng sĩ Hercules, không hẳn là một chòm sao sáng nổi bật nhưng nó nằm vắt ngang qua xích đạo trời một cách đối xứng , bao phủ một phần diện tích rộng lớn và chứa đầy những đám mây sao, bao gồm cả Eagle Nebula – M16 nổi tiếng, vì vậy, nếu có trong tay một KTV khoảng 6 đến 8 inch thì đây sẽ là một địa chỉ lí thú đáng để bạn khám phá.

Từ sau 20h về đêm, tam giác mùa hè tỏa sáng kiêu hãnh ở gần thiên đỉnh, nhưng bạn hãy tạm phớt lờ đi ánh hào quang đó để thử đến với những điều thú vị xung quanh. Trong một đêm thật sự tối trời và không bị ảnh hưởng nhiều bởi ánh đèn hay ánh trăng, bạn hãy đảo mắt tìm kiếm ở khu vực giữa chòm Đại Bàng và Thiên Nga, chắc chắn bạn sẽ tìm được chòm sao Mũi Tên – Sagitta. Mặc dù chỉ là một chòm sao nhỏ nhưng hình dáng của nó thì quả là đúng với tên gọi. Có nhiều câu chuyện được gắn cho chòm sao này, trong đó có chuyện bảo rằng nó chính là mũi tên của thần tình ái Cupid.
Nằm ở phía đông của Đại Bàng là một chòm sao khiêm tốn khác, hình dáng rõ rệt của nó từ lâu đã khiến người ta nghĩ đến một chú cá heo. Theo thần thoại Hi Lạp thì mỹ nhân ngư Amphitritte đã nghe theo lời khuyên của chú cá heo này mà đồng ý làm vợ của thần biển cả Posseidon, người mà trước giờ nàng luôn tìm cách trốn thoát, Posseidon rất lấy làm hài lòng vì thế đã đưa chú cá heo lên trời cao trở thành một chòm sao.

Thời gian này cũng là lúc những người quan sát ở Bắc Bán Cầu nói lời tạm biệt với chòm sao Đại Hùng – chiếc chìa khóa đã gắn bó với bầu trời trong suốt mấy tháng qua, thay vào đó, chúng ta hãy đón chào sự xuất hiện của một chòm sao thú vị khác, đó là Tiên Hậu – Cassiopeia. Tuy nhiên, đây chưa thực sự là thời điểm tốt để quan sát Cassiopeia, do vậy, những điều lí thú về chòm sao này sẽ được giới thiệu trong clip của những tháng sau.

<font color="Red">QUAN SÁT HÀNH TINH

Những người quan sát còn luyến tiếc với sao Thổ vẫn có cơ hội để ngắm nhìn vẻ đẹp của hành tinh này khi ánh mặt trời vừa khuất, sao Thổ chỉ còn cao khoảng 30 độ so với chân trời Tây và sẽ khuất hẳn khi trời tối.
Vào khoảng sau nữa đêm, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người khổng lồ mang tên Jupiter - sao Mộc như một ngôi sao rất sáng màu vàng xuất hiện ở hướng Đông, nếu quan sát cho đến gần 3h sáng bạn sẽ có cơ hội quan sát được thêm một hành tinh nữa, đó là Sao Hỏa – Mars đang dần xuất hiện phía Đông như một ngôi sao màu đỏ như chính tên gọi của nó.

MƯA SAO BĂNG PERSEIDS
Cực điểm mưa sao băng Perseids năm nay theo dự báo rơi vào khoảng 14h chiều ngày 13/8/2011. Do đó người quan sát tại Việt Nam không quan sát được thời điểm sao băng đạt cực điểm. Theo lý thuyết càng gần cực điểm càng có nhiều sao băng thì chúng ta nên quan sát vào rạng sáng các ngày từ 12 đến 15/8 và rạng sáng ngày 13/8 có thể là ngày có nhiều sao băng nhất với người quan sát ở Việt Nam.

Tuy nhiên! Perseids năm nay đã bị IMO loại ra khỏi bảng danh mục sao băng năm 2011. Những ngày cực điểm của sao băng Perseids cũng là những ngày trăng tròn sáng vằng vặc. Và trăng rằm thì nó ám bầu trời suốt cả đêm đến sáng. Sự phá bĩnh của trăng rằm khiến cho một trận sao băng có mật độ sao băng khủng long ~ 100 sao/h tại nơi quan sát lý tưởng bị suy giảm thảm hại đến nỗi chả còn ai thèm quan tâm.

Nếu như bạn sống ở miền quê, những nơi không bị ánh đèn ô nhiễm và có được thời tiết tốt, hãy cứ quan sát Perseids năm nay và thử vận may với những sao băng sáng. Nếu như bạn sống ở thành thị thì thôi hãy quên Perseids mà trùm chăn ngủ để ngắm sao băng trong mơ ở những ngày mưa bão này.

Theo HAAC</font>