<object type="application/x-shockwave-flash" width="640" height="385" data="http://www.youtube.com/v/ZDiXFEb12s4">
<param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/ZDiXFEb12s4">
<param name="wmode" value="transparent">
</object>


Kịch bản quan sát bầu trời tháng 11/2011- Mưa sao băng Leonids
Tháng 11, thời tiết bắt đầu thuận lợi cho việc quan sát thiên văn, với tiết trời mua thu ở miền bắc và mùa mưa đang chuẩn kết thúc ở Miền nam hứa hẹn cho chúng ta những đêm trời trong vắt. Với những người yêu thiên văn, tháng 11 được đáng dấu bằng trận mưa sao băng Leonids nổi tiếng, tuy nhiên rất tiếc vào năm nay ánh trăng sáng sẽ phá hỏng hiện tượng mưa sao băng này. Dù vậy tháng 11, còn có rất nhiều chòm sao sáng bắt đầu xuất hiện cùng với những câu chuyện lý thú của bầu trời.

Quan sát các chòm sao.

Vùng trời phía đông bắc vẫn là khu vực có nhiều chòm sao sáng trong tháng 11 này, Chúng ta hãy cùng nhau xác định lại các chòm sao Hoàng Gia từ Hình Vuông Mùa Thu và chữ M của chòm Tiên Hậu lúc này đã xuất hiện cao hơn so với tháng 10.
Nhắc tới gia đình hoàng gia, bạn không thể bỏ qua 2 chòm sao có liên quan tới câu chuyện của gia đình này là chòm sao Pergasus – Chú Chiến Mã có cánh của chàng dũng sĩ Perseus được sinh ra từ máu của rắn Medusa và bọt biển và chòm sao Centus – Thủy Quái.
Chòm sao Pergasus là với 3 sao chính cùng với 1 sao của chòm Tiên Nữ hợp thành Hình Vuông Mùa Thu rất dễ nhận biết trên bầu trời.

Chòm Cetus (Cá voi Thuỷ quái) rất khó nhận biết trên bầu trời ở các thành phố vì đa số các sao trong chòm đều rất mờ, chúng ta có thể phải dùng đến bản đồ sao để xác định nó bằng cách kéo dài đường chéo của hình vuông mùa thu về phía Đông Nam. Thủy quái - Cetus được Thần Poseidon cử đến trừng phạt thói kiêu ngạo của hoàng hậu Cassiopeia và bị Perseus tiêu diệt. Chòm sao này gồm nhiều sao mờ nhưng lại giặng trên một vùng trời khá rộng. Vật thể đáng chú ý trong chòm sao này là M77, thiên hà xoắn ốc mà chúng ta có thể quan sát tốt qua 1 kính thiên văn tốt với độ sáng biểu kiến 9 và là một trong những thiên hà lớn nhất trong danh mục Messier.

Vào khoảng 9h tối chúng ta hãy đưa mắt về phía Đông Bắc đề tìm kiếm chòm sao Ngự phu Auriga. Ngự phu dễ được nhận ra bởi một đặc trưng là các ngôi sao tạo thành một hình ngũ giác với 1 sao rất sáng là Capella ngôi sao sáng thứ 6 bầu trời ngay vùng trời phía đông bắc. Theo thần thoại Hy Lạp, chòm sao này là hiện thân của thần núi lửa Herphaestus con của thần Zeus . Herphaestus có con là Erechtheus và cả 2 cha con đều bị tật ở chân. Herphaestus đã sáng chế ra chiếc xe ngựa kéo trợ giúp họ để không phiền tới ai. Nêu gương tính tự lập và vượt qua số phận, Zeus đưa cỗ xe và người tạo ra nó lên trời thành chòm sao này. Nhìn lên chòm sao này, chúng ta hình dung như là 1 người què chân ngồi trên xe, vai khoác tay nải, một tay giữ con dê ngồi trên đùi.

Sao Capella nằm gần thiên cực Bắc và rất sáng nên cũng được người đi biển thời xưa dùng làm sao định hướng, đây là một sao đường kính lớn hơn Mặt trời chúng ta khoảng 10 lần và cách xa Trái đất khoảng 42 năm ánh sáng.
Khi chòm Ngự Phu đã lên cao chúng ta hãy đưa mắt về phía Đông, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra 3 ngôi sao thẳng hàng thật đặc biệt, đó chính là thắt lưng của chàng Tráng Sĩ Orion- chòm sao chìa khóa của toàn bộ bầu trời mùa đông. Nhưng hãy tạm lắng sự háo hức, chúng ta sẽ tiếp cận với chòm sao này vào clip của tháng sau khi nó đã lên cao hơn trên bầu trời vào chập tối.

Chòm sao Hoàng đạo
Chòm sao Kim ngưu- Taurus, chòm sao hoàng đạo quan trọng trên bầu trời tháng này, với một hình chữ V rất dễ nhận diện như sừng của chú bò mộng nằm bên phải chòm Anh Tiên nhìn từ chòm Thiên hậu. Theo thần thoại Hy Lạp, chòm sao này với hình ảnh cách điệu là cái đầu của con bò trắng, sừng vàng óng ả của thần Zeus. Thần phải lòng nàng công chúa Europa xinh đẹp xứ Phoenicia, nên đã hoá thân thành con bò trắng oai vệ trà trộn vào đàn trâu của cha nàng là vua Agenor gặm cỏ. Khi Europa bước tới gần, Zeus (dưới dạng con trâu) liền quỳ dưới chân nàng. Khi nàng công chúa leo lên lưng, Zeus liền dõng mình lao xuống biển bơi về Crete và lấy nàng làm vợ. Chúng ta chỉ thấy hình ảnh đầu của chú bò đang bơi vì phần thân đã chìm trong sóng nước.

Chòm sao này có nhiều vật thể đáng chú ý, đầu tiên là ngôi sao khổng lồ Aldebaran màu đỏ đặc trưng sáng nhất chòm sao này. Aldebaran theo tiếng Arab, có nghĩa là “người theo sau- the follower” do ngôi sao này nó ở ngay bên dưới cụm sao Thất nữ, vì thế theo hướng di chuyển của bầu trời từ đông sang tây sao Aldebaran giống như đang chạy theo cụm sao này vậy. Ngôi sao khổng lồ này là một siêu sao không lồ đỏ, với đường kính gấp khoảng 44 lần Mặt trời và cách chúng ta 65 nas.

Đối tượng quan sát thú vị nhất bằng mắt thường và ống nhòm trên bầu trời tháng 11 là Cụm sao mở Thất nữ (Pleiades) hay còn gọi là M45 theo bảng danh mục vật thể vật thể tối của nhà thiên văn Messier. Thần thoại Hy Lạp kể rằng nhóm sao mở này tượng trưng cho các cô thiếu nữ trong trắng (7 chị em gái con của Atlas và Pleione). Vốn hoà thuận xinh đẹp nên bị Tráng sị Orion theo đuổi. Không muốn rơi vào tay tráng sĩ nên các nàng thành tâm nguyện cầu thần trợ giúp. Zeus thương tình biến 7 chị em thành chim bồ câu và đưa họ lên chốn trời cao. Nhóm sao này có bảy ngôi sao, nhưng mắt thường đêm trời tối ta có thể quan sát được 6 sao mà thôi. Ngôi sao còn lại ẩn giấu được cho là Merope (nàng thứ 7, do nàng xấu hổ lấy phải chồng người phàm phải sống cô độc dấu mặt không dám nhìn chị em, thực tế ngôi sao Merope này được vây quanh bởi một đám mây bụi khí tuyệt đẹp). Nếu trong điều kiện thời tiết rất tốt, chúng ta có thể quan sát được tới 9 ngôi sao bao gồm cả Atlas và Pleione là cha mẹ của 7 nàng. Cụm sao này thực tế chứa hơn 500 ngôi sao trẻ, cách chúng ta khoảng 440 nas và phủ một khu vực rộng 4 lần trăng tròn. Chúng ta có thể quan sát tốt cụm sao này với chi chit sao qua một ống nhòm.

Trong dân gian Việt Nam cụm sao này còn có tên gọi là Tua Rua hay Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Tua rua xuất hiện trong rất nhiều câu ca dao chứng tỏ tính chất quan trọng của nó trong việc xác định mùa vụ của nông nghiệp thủa xưa.
"Tua rua một tháng mười ngày, cấy trốc luống cày cũng được lúa xôi"
"Tua rua bằng mặt cất bát cơm chăm, tua rua đi nằm, cơm chăm đã cạn"

Ngoài cụm sao mở Pleiades, chòm sao này còn chứa cụm sao mở gần chúng ta nhất Hyades với chỉ 153 nas nhìn thấy được bằng mắt thường với độ sáng biểu kiến 0.5 làm thành hình chiếc đầu bò mộng. Mắt thường bạn có thể thấy khoảng 5 ngôi sao nhưng qua một ống nhòm hay kính thiên văn thì sẽ thấy rất nhiều sao hiện ra.

Quan sát hành tinh

Tháng 11, Mộc tinh vẫn thống lĩnh bầu trời còn Hoả tinh dần lên cao gần vùng trời giữa chòm sao Con Cua và Sư tử vẫn là 2 hành tinh đáng quan sát. Tuy vậy, sao bạn không thử quan sát một hành tinh khác nhỉ. Đó là Thiên vương tinh Uranus, hành tinh thứ 7 của hệ Mặt trời, một trong 3 hành tinh không được biết tới từ thượng cổ do không nhìn được bằng mắt thường. Được quan sát lần đầu năm 1690 bởi Flamsteed nhưng lại được cho là một ngôi sao trong chòm sao Kim ngưu Taurus nhưng mãi tới 1781 Herchel mới phát hiện ra nó là một hành tinh. Với độ sáng biểu kiến 5.8, thật khó có thể quan sát nó bằng mắt thường. Nhưng với một ống nhòm hay một chiếc kính viễn vọng, sao bạn không thử chú ý xem. Hãy chú ý chòm sao Pegasus, với hình vuông mùa thu, bạn hãy kẻ một đường thẳng từ sao Sirrah (sao sáng của chòm Tiên nữ Andromeda tháng trước) tới sao Algenib với một khoảng cách bằng khoảng cách giữa hai sao này trong những đêm giữa tháng, và dùng một ống nhòm hay chiếc kính mình có được để tìm kiếm hành tinh này nhé. Trong khi các hành tinh khác hầu như đứng thẳng trên quỹ đạo của chúng, Thiên Vương tinh lại nằm ngang trên quỹ đạo. Độ nghiêng của trục quay đối với quỹ đạo của nó là 97°. Hành tinh này cũng có vành đai xung quanh nhưng rất mỏng và có tới 27 vệ tinh.

{Hiện tượng thiên văn }


Sự kiện chú ý quan sát:mưa sao băng leonids

Mưa sao băng Leonids là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất vào tháng 11 hằng năm, thế nhưng năm nay lại thật đáng tiếc cho hiện tượng thiên văn này vì mặt trăng đã phá hỏng tất cả. Ánh trăng sáng ở gần sát chòm sao Sư Tử nơi xuất phát của các sao băng vào những đêm cực điểm sẽ làm giảm đáng kể số sao băng có thể thấy được.

Mưa sao băng Leonid xuất hiện vào tháng 11 hằng năm khi trái đất đi qua vùng bụi của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle, đây là sao chổi có chu kì 33 năm. Trong quá khứ, Leonids từng được ví là bão sao băng khi có năm nó đạt đến vài chục ngàn sao băng xuất hiện trong 1 giờ khi cực điểm . Vào năm 1833 nhiều người dân Bắc Mỹ đã hoảng loạn thật sự khi bầu trời như rực lửa, hàng trăm...hàng ngàn vệt sao băng xuất hiện liên tục suốt hơn 9 tiếng trên bầu trời như báo hiệu của ngày tận thế. Người ta đã ước tính có đến 240.000 sao băng rơi trong đêm đó, một con số "khủng khiếp".

Trong những năm gần đây mật độ đám mây bụi của Sao chổi Tempel-Tuttle đã giảm dần khiến cho mưa sao băng Leonids chỉ còn vào khoảng từ 15-20 cái trong một giờ khi quan sát vào lúc cực điểm theo dự báo.

Cực điểm trận mưa sao này theo dự báo của Hiệp hội mưa sao băng quốc tế - IMO dự báo là khoảng 10h sáng ngày 18/11 theo giờ Việt Nam, theo đó rạng sáng ngày 18/11 ta có thể quan sát được nhiều sao băng nhất nếu không bị ánh trăng phá hỏng. Từ ngày 13 đến 20-11 chúng ta có thể quan sát được các sao băng Leonids sau nửa đêm với tâm điểm xuất phát từ phía chòm sao Sư Tử. Nếu chưa nhận diện được chòm sao Sư Tử, chúng ta có thể nhìn về phía Đông sau nửa đêm để quan sát các sao băng Leonids. Tuy nhiên việc ánh trăng sáng rơi vào những ngày sao băng cực điểm khiến cho Leonids năm nay gây thất vọng rất lớn với những người yêu thiên văn.

Theo HAAC