Thiên cầu:
Khi nhìn lên bầu trời, bạn có cảm giác các ngôi sao như nằm trên một mặt cầu khổng lồ ở một khoảng cách rất xa. Mặt cầu này được gọi là Thiên cầu (Celestial Spheres) - một mặt cầu tưởng tượng bao quanh Trái Đất và có bán kính vô tận và chứa các thiên thể trên bầu trời. Thiên cầu khái niệm do thuyết địa tâm xây dựng lên, nhưng vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay do tính hữu ích của nó cho việc quan sát thiên văn.



Thiên cầu
Thiên cầu gồm có hai nửa, giống như hai bán cầu của Trái Đất, đó là Thiên cầu Bắc ( Northern Celestial Hemisphere – nửa cầu bên trên trên hình vẽ ) và Thiên cầu Nam ( Southern Celestial Hemisphere – nửa cầu dưới trên trên hình vẽ ), được phân chia bởi đường Xích đạo trời hay gọi tắt là đường Xích đạo. Để dễ tưởng tượng các bạn có thể coi 2 nửa Thiên cầu này là hình chiếu của hai nửa cầu của Trái Đất trên bầu trời.
Xích đạo trời (đường tròn màu đỏ trên hình vẽ ) về bản chất chính là hình chiếu của đường xích đạo của Trái Đất lên trên bầu trời, cũng không quá khó hiểu phải không ?
Trục vũ trụ PP’ ( thực chất chính là trục quay của Trái Đất) là một trục tưởng tượng, dài vô tận, đi xuyên qua tâm Trái Đất và cắt Thiên cầu tại hai điểm là Thiên cực Bắc ( North Celestial Pole) ký hiệu là P ( cách sao Bắc Cực – Polaris 1/2 độ) và Thiên cực Nam ( South Celestial Pole ) ký hiệu là P’ ( nằm ở bên trong chòm sao Octans ). Trục vũ trụ nghiêng so với phương Bắc – Nam ( NS ) một góc V đúng bằng vĩ độ nơi quan sát.



Thiên Cực Bắc



Thiên Cực Nam
Nhật động:
Do sự tự quay quanh trục của Trái Đất theo chiều từ Tây sang Đông nên khi nhìn từ Trái Đất, chúng ta thấy Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao và các hành tinh đều mọc ở phía Đông, từ từ dịch chuyển trên bầu trời rồi lặn ở phía Tây. Mỗi thiên thể vẽ lên trên thiên cầu một vòng tròn. Hiện tượng này được gọi là nhật động. Do hiện tượng nhật động nên chúng ta có cảm giác các thiên thể trên bầu trời chuyển động quanh một trục gọi là trục vũ trụ. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua các tấm ảnh phơi sáng lâu khi chụp ảnh bầu trời.



Một tấm ảnh phơi sáng lâu
( Ảnh: Babak Tafreshi )
Thiên cầu là một khái niệm cơ bản không phức tạp nhưng hay được sử dụng sau này vì vậy các bạn cần nắm chắc các khái niệm về thiên cầu để có thể quan sát tốt cũng như sử dụng có hiệu quả các dụng cụ quan sát sau này.