Mỗi khi trời vừa tối, những người yêu bầu trời có lẽ hẳn phải ngước lên cao để nhìn quang cảnh ngoạn mục phía chân trời tây vào những ngày cuối tháng 2 này. Sự rực rỡ của Kim Tinh và Mộc Tinh, như 2 viên kim cương đang càng ngày càng tiến lại gần nhau. Đặc biệt hơn là dự xen vào của trăng lưỡi liềm vào các ngày từ 25-27/2, khiến cho khung cảnh càng thêm ngoạn mục. Bên cạnh đó nếu có được địa điểm quan sát lý tưởng chúng ta còn có có thể quan sát được Thủy Tinh ở sát chân trời tây trước 7h tối.


Vị trí của trăng lưỡi liềm và các hành tinh ở hướng Tây khi chập tối vào cuối tháng 2 này. Ảnh mô phỏng cho địa điểm quan sát ở Bắc Mỹ, ở Việt Nam vị trí của các thiên thể sẽ có khác biệt đôi chút


Kim Tinh và Mộc Tinh sẽ tiếp tục diễn biến hướng về nhau và gần như sát lại vào giữa tháng 3, sau đó xa dần cho đến khi Sao Mộc biến mất vào cuối tháng tư. Vào các ngày từ 25-27/3 mặt trăng sẽ lặp lại việc xuất hiện gần 2 hành tinh này nhưng lúc này ngược lại với tháng 2, Mộc Tinh lại ở thấp hơn so với Kim Tinh.

Diễn biến cuộc hội ngộ của các hành tinh sẽ được cập nhật vào đầu mỗi tháng trên thienvanhoc.org.

6 đến 7 thiên thể sáng nhất bầu trời đêm có thể quan sát được cùng lúc.

Những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 này là một dịp hiếm có để có thể quan sát được từ 6 đến 7 thiên thể sáng nhất của bầu trời đêm (tùy vào điều kiện quan sát của bạn), sau khi mặt trời lặn khoảng 30 đến 60 phút.

Đó là các đối tượng xếp theo thứ tự độ sáng

Mặt trăng

Kim Tinh (Venus)

Mộc Tinh (Jupiter)

Sao Sirius - Thiên Lang

Hỏa Tinh (Mars)

Thủy Tinh (Mercury)

Sao Canopus - Lão Nhân

Thời điểm này Thủy Tinh có lẽ là đối tượng khó quan sát nhất khi nó ở quá sát chân trời Tây vào chập tối, và càng khó quan sát hơn với bầu không khí ô nhiễm ở những thành phố lớn. Thực tế có những người cả đời chưa thấy Thủy Tinh bao giờ, vì nó thường chỉ quan sát được chốc lát sau khi Mặt Trời lặn (hoặc có lúc là trước khi Mặt trời mọc).


Ảnh mô phỏng vị trí của Mộc Tinh, Kim Tinh, Thủy Tinh ở chân trời Tây khi trời vừa tối, vào ngày 1/3/2012



Vào khoảng sau 7h tối (thời điểm này), bạn hãy đưa mắt dõi về phía chân trời Đông để tìm Hỏa Tinh với màu đỏ đặc trưng của nó, Hỏa tinh đang ở gần với thời điểm xung đối, là lúc nó có độ sáng nhất trong năm, xuất hiện trong suốt cả đêm và dĩ nhiên đây là thời điểm quan sát Hỏa tinh thuận lợi nhất.


Hỏa Tinh xuất hiện ở phía đông khi trời vừa tối với màu đỏ đăc trưng


Ngoài các hành tinh, thì sao Sirius là ngôi sao sáng nhất bầu trời, cũng như sao Caponus -ngôi sao sáng thứ 2 cũng đang tỏa sáng rực rỡ. Khi chập tối Sirius ở hướng Đông Nam gần đỉnh đầu, hẳn cũng chẳng khó nhận biết do ánh sáng xanh rực rỡ của nó. Từ ngôi sao Sirius chúng ta hãy nhìn về phía chân trời Nam để tìm sao Canopus còn được biết dưới cái tên sao Lão Nhân theo thiên văn phương Đông.

Còn chờ gì nữa, hãy luôn ngước lên cao khi chập tối vào những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 này.

Chúc chúng ta có nhiều đêm đẹp trời. Clear skies!


Nguyễn Tuấn - HAAC