Nhân dịp năm mới Quý Tỵ sắp đến, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem loài bò sát không chân này có tác dụng tác hại như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta ? Tập tính sống của loài động vật này ? Nó là gì trên bầu trời đêm lung linh kia ?



RẮN TRONG ĐỜI SỐNG

Chẳng ai lại không biết rắn. Rắn là con giáp thứ 6 trong 12 con giáp. Rắn thuộc loài bò sát, là động vật máu lạnh, và cùng lớp với các loài có vảy như thằn lằn, tắc kè, nhưng rắn không có chân.

Rắn có bộ xương rất nhỏ và dễ vỡ, thế nên khó có dạng hóa thạch. Nhưng trên cơ sở hình thái học, rắn tiến hóa từ tổ tiên của loài thằn lằn. Nghiên cứu gần đây dựa trên công nghệ gen xác nhận rắn tạo ra loại nọc độc cùng nguồn gốc với vài họ thằn lằn còn tồn tại.

Tất cả các loài rắn đều là loài ăn thịt. Chúng có thể ăn cả những con rắn khác và các động vật có vú, các động vật nhỏ như thằn lằn, chim, sâu bọ, kể cả trứng của các loài khác. Một số loài rắn có nọc độc để giết chết con mồi trước khi ăn, một số loài rắn khác thì xiết con mồi đến chết, có những loài rắn nuốt sống cả con mồi.

Xương hàm dưới của rắn rất linh hoạt, hai hàm không cố định mà đa số được nối thẳng vào sọ, cho phép chúng mở rộng miệng để nuốt trọn con mồi dù cho con mồi lớn hơn nhiều so với đường kính thân rắn.

Sau khi ăn, rắn trở nên lười biếng và thụ động khi hệ tiêu hóa bắt đầu làm việc. Lúc này, hệ tiêu hóa hoạt động rất mạnh, nhất là khi phải tiêu thụ con mồi lớn. Ở một số loài rắn, toàn bộ hệ tiêu hóa sẽ nghỉ ngơi giữa những bữa ăn để tránh thất thoát năng lượng vì rắn ăn khá ít.

Khi rắn lột da, nếu không có đủ độ ẩm thì sẽ rất nguy hiểm, lớp da khô không thể bị lột ra. Lớp da bám lại sẽ là nơi sản sinh ra bệnh tật và vi khuẩn. Một phần nhỏ ở cuối đuôi rắn không hề thay đổi khi rắn lớn lên. Rắn tự cắt đứt đường máu đưa tới khúc đuôi thừa và từ từ phần đuôi đó sẽ rụng.

Toàn thân rắn được bao bọc bởi một lớp vảy. Những chiếc vảy này rất cứng, không lớn lên tương ứng theo sự trưởng thành của thân rắn. Vì vậy, cứ khoảng 2 đến 3 tháng rắn phải thay da một lần. Những chiếc vảy này không chỉ giúp rắn bảo vệ mình mà còn có chức năng như bàn chân để có thể trườn bò. Một số loại rắn đặc biệt có khả năng lướt nhanh, chúng có thể lướt rất xa, tầm phóng xa khoảng gần 14 mét.

Nọc rắn tuy độc hại, có thể giết chết người, nhưng chính độc tố đó lại có thể cứu người. Tục ngữ có câu : “Dĩ độc trị độc”. Y học cũng đã dùng hình tượng rắn làm biểu tượng.

RẮN TRONG THIÊN VĂN HỌC

Rắn là một loài động vật tương đối nhỏ bé so với các loài động vật khác, thế nhưng trong thiên văn học, nó là loài động vật to lớn nhất và dài nhất trên bầu trời.

Con rắn muốn nói đến là chòm sao Hydra (長蛇 - Trường Xà), là một trong 48 chòm sao Ptolemy và cũng là một trong 88 chòm sao hiện đại, nó chiếm đến 1303 độ vuông trên bầu trời và nằm ở thiên cầu nam. Vì nó chiếm diện tích rộng lớn trên bầu trời nên nó giáp với tận 14 chòm sao khác, đó là Tức Đồng (Antlia), Cự Giải (巨蟹 - Cancer), Tiểu Khuyển (Canis Minor), Bán Nhân Mã (Centaurus), Ô Nha (Corvus), Cự Tước (巨爵 - Crater), Sư Tử (Leo), Thiên Bình (天秤 - Libra), Sài Lang (Lupus), Kỳ Lân (Monoceros), Thuyền Vĩ (Puppis), La Bàn (Pyxis), Lục Phân Nghi (Sextans) và Xử Nữ (Virgo).

Chòm sao Trường Xà trong thần thoại Hy Lạp được lấy từ chòm sao MUL.APIN của người Babylon, đây là một trong hai con rắn trên bầu trời của người Babylon. Trong thần thoại Hy Lạp, con rắn này cùng với con quạ, là người phục vụ nước uống cho thần Mặt Trời Apollo, thế nhưng khi Apollo phát hiện những con vật này đang có âm mưu mờ ám, Apollo giận dữ và ném chúng cùng với cái chén lên trời. Ngoài ra nó cũng liên quan đến con quái vật Hydra, con quái vật đã bị giết bởi anh hùng Hercules.



Mặc dù con rắn này rất dài và rất rộng lớn trên bầu trời, nhưng nó chỉ có một vài ngôi sao tương đối sáng. Đầu tiên là Alpha Hydrae, nó là một ngôi sao khổng lồ cam với độ sáng biểu kiến là 2.0, cách chúng ta 177 năm ánh sáng. Một ngôi sao nữa mờ hơn ngôi sao kể trên, đó là Beta Hydrae, là một ngôi sao trắng-xanh với độ sáng biểu kiến là 4.3, cách Trái Đất 365 năm ánh sáng. Tiếp theo là Gamma Hydrae, một ngôi sao khổng lồ vàng với độ sáng biểu kiến 3.0, cách chúng ta 132 năm ánh sáng.

Hydra có một hệ sao đôi rất sáng, gọi là Epsilon Hydrae, nó khó để phân biệt được dù bạn quan sát với một chiếc kính thiên văn nhỏ, hệ này cách chúng ta 135 năm ánh sáng, ngôi sao chính là một ngôi sao vàng với độ sáng biểu kiến là 6.7.

Ngoài ra chòm sao Trường Xà có khá nhiều hệ sao mờ. 27 Hydrae là một hệ ba ngôi sao có thể quan sát được bằng những chiếc kính thiên văn nhỏ, ngôi sao chính của hệ ba này một ngôi sao màu trắng với độ sáng biểu kiến là 4.8 và cách chúng ta 244 năm ánh sáng.


Chòm sao Hydra có thể quan sát bằng mắt thường một cách khá dễ dàng.

Sigma, σ Hydrae, hay là Minaruja, là ngôi sao ở mũi của con rắn với độ sáng biểu kiến 4.54 và khá mờ nhạt. Và đầu của con rắn là Āshleshā nakshatra - một ngôi sao thuộc một chòm sao hoàng đạo của người Ấn Độ.

Ngoài những ngôi sao thì Hydra còn chứa cả những thiên thể. Con rắn này sở hữu cho mình 3 thiên thể Messier. M83, còn được gọi với tên Thiên hà Pinwheel phương nam, nằm ở gần ngoài biên giới của chòm sao này. M68 là cụm sao cầu gần M83 và M48 là cụm sao mở nằm ở đuôi con rắn về hướng tây.

M83 (NGC 5236) hay còn gọi là Thiên hà Pinwheel phương nam, với độ sáng biểu kiến là 8.0, nó chứa đến 6 siêu tân tinh, nhiều hơn số lượng siêu tân tinh mà bất kì thiên thể Messier nào chứa được. Với một chiếc kính thiên văn nghiệp dư lớn sẽ cho ta thấy rõ cánh tay và phần trung tâm của thiên hà này.


M83

M68 là một cụm sao cầu có thể quan sát qua ống nhòm và trong những chiếc kính thiên văn nghiệp dư cỡ vừa, cách Trái Đất 31000 năm ánh sáng với độ sáng biểu kiến là 8.0.


M68

M48 (NGC 2548) là một cụm sao mở có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở điều kiện thật tối và thời tiết thật tốt. Hình dạng của nó được mô tả là một hình tam giác, cụm 80 ngôi sao này có kích thước khoảng bằng với kích thước của Mặt Trăng.


M48

NGC 3242 là một tinh vân hành tinh với độ sáng biểu kiến là 7.5 và cách chúng ta 1400 năm ánh sáng được phát hiện vào năm 1785 bởi William Herschel và được đặt biệt danh là bóng ma của Sao Mộc vì hình dạng của nó có những nét khá giống với hành tinh khí khổng lồ này.


NGC 3242

NGC 5694 là một cụm sao cầu với độ sáng biểu kiến là 10.2 và cách chúng ta 105.000 năm ánh sáng, cụm sao này cũng được gọi với cái tên cụm sao cầu của Tombaugh vì mặc dù nó được phát hiện bởi William Herschel vào năm 1784 nhưng lúc đó thể loại của thiên thể mà ông William vừa phát hiện thì chưa được xác định rõ ràng, cho đến năm 1932 khi Clyde Tombaugh chụp hình gần khu vực Pi Hydrae và ông phát hiện ra cụm sao mà William đã phát hiện vào ngày 12/5.

NGC 3314, thường được ghi cụ thể là NGC 3314a hay NGC 3314b, vì nó là hai thiên hà nằm chồng chéo lên nhau, nhưng thực tế là không có, mà là do khi quan sát từ Trái Đất hai thiên hà này có vẻ như chồng lên nhau. Thiên hà phía trước là một thiên hà xoắn ốc gọi là NGC 3314a và cách chúng ta 140 triệu năm ánh sáng. Thiên hà nền phía sau là NGC 3314b, cũng là một thiên hà xoắn ốc và nó có phần trung tâm đỏ nổi lên phần khí bụi của NGC 3314a.


NGC 3314a và NGC 3314b.

ESO 510-G13 là một thiên hà xoắn ốc bị biến dạng cách Trái Đất 150 triệu năm ánh sáng, thường thì các thiên hà xoay quanh lõi của nó và chúng có hình dạng phẳng, nhưng đối với thiên hà này thì lại khác, nó không có hình dạng phẳng, các nhà khoa học nghi ngờ đây có thể là kết quả của quá trình va chạm với thiên hà khác.


ESO 510-G13

Chú rắn này cũng gây ra những cơn mưa sao băng. Mưa sao băng Sigma Hydrids đạt cực đỉnh vào ngày 6/12, thiên thể gốc của cơn mưa sao băng này chưa được xác định rõ. Và mưa sao băng Alpha Hydrids là một cơn mưa sao băng rất nhỏ, đạt cực điểm vào khoảng từ ngày 1 đến 7/1.

Chòm sao này tương ứng với Hydra Ashlesha trong thần thoại Hindu. Còn trong thiên văn học Trung Quốc, những ngôi sao của chòm Trường Xà thì tương ứng với Bird Vermilion và con rồng xanh. Con rắn này còn được biết đến với cái tên Nuriko trong văn hóa Nhật Bản.

Ftvh tham khảo từ Antonio Son Tran, dịch từ Wikipedia tiếng Anh và một số nguồn khác