Các chuyên gia mới phát hiện một số hành tinh có mật độ sấm sét cực kỳ dày đặc, qua đó cung cấp một số manh mối về người ngoài hành tinh.

Mới đây, các nhà thiên văn đã tìm thấy một hành tinh rất kỳ lạ. Nó chỉ lớn hơn Trái đất một chút, nhưng nguy hiểm hơn rất nhiều, vì mỗi giờ trôi qua nó phải chịu hàng nghìn tỉ tia sét giáng xuống.

Đó là một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời - một exoplanet - mang tên Kepler-10b. Bề mặt của hành tinh chỉ bao gồm toàn núi lửa đang hoạt động, và đó chính là lý do vì sao bầu khí quyển của hành tinh này tràn ngập điện tích.


Hành tinh Kepler-10b.

Cụ thể hơn, nghiên cứu được công bố trên tạp chí arXiv do Gabriella Hodosan thuộc ĐH St Andrews (Anh) đứng đầu - đã theo dõi hiện tượng sấm sét xảy ra trên một số hành tinh ngoài hệ Mặt trời cùng một số ngôi sao lùn.

Kết quả cho thấy, hành tinh nào càng có mức độ núi lửa hoạt động cao, tần suất sấm sét xảy ra càng dày đặc. Như Kepler-10b, hành tinh này không hề có nước, nhưng núi lửa hoạt động đã khiến bầu khí quyển hình thành những đám mây tĩnh điện và sản sinh ra sấm sét.


Có khoảng 100 triệu đến 2 nghìn tỉ tia sét xảy ra mỗi giờ đồng hồ tại đây.

Các chuyên gia đã vẽ ra rất nhiều viễn cảnh về cách sấm sét hình thành trên Kepler-10b, bằng việc sử dụng dữ liệu từ những vụ phun trào núi lửa của núi Redoubt (Alaska, Mỹ) và Eyjafjallajökull (Iceland).

Hodosan cho biết: "Giả sử rằng bề mặt của hành tinh này được bảo phủ bởi những ngọn núi lửa đang hoạt động, mật độ của sấm sét sẽ rất lớn, giống như trường hợp của núi Redoubt. Tuy nhiên, nếu những ngọn núi này không hoạt động cùng lúc, mật độ sấm sét sẽ thấp hơn, giống như núi Eyjafjallajökull".

Có điều, riêng với Kepler-10b - hành tinh có bề mặt gần như chỉ bao gồm núi lửa, các chuyên gia ước tính sẽ có khoảng 100 triệu đến 2 nghìn tỉ tia sét xảy ra mỗi giờ đồng hồ tại đây.


Sấm sét có thể giúp hình thành các phân tử cần thiết cho sự sống.

Các chuyên gia cũng theo dõi một hành tinh ít bùng nổ hơn - HD 189733b. Đây là một hành tinh khí, có kích cỡ gần như tương đồng với sao Mộc. Hành tinh này cũng có số lượng sấm sét ít hơn hẳn: chỉ 100.000/h.

Việc nắm được hoạt động của núi lửa cũng như sấm sét trên các hành tinh này có thể giúp chúng ta có thêm manh mối về sự sống bên ngoài Trái đất, vì sấm sét có thể giúp hình thành các phân tử cần thiết cho sự sống. Nếu các chiếc kính thiên văn hay ống nhòm của chúng ta có thể nhìn được đến hành tinh đó thì cảnh tượng sẽ rất thú vị.
Nguồn: Tri thức trẻ