Alpha Centauri là một hệ ba ngôi sao gần với hệ Mặt Trời của chúng ta nhất. Khi nhìn lên bầu trời từ Trái Đất, ta sẽ thấy nó như là một ngôi sao – ngôi sao sáng thứ ba trên bầu trời đêm.

Hai ngôi sao chính của hệ ba sao này gồm sao Alpha Centauri A và Alpha Centauri B, ngôi sao thứ ba là một ngôi sao lùn đỏ có tên gọi là Proxima Centauri, chúng cách chúng ta khoảng 4,2 năm ánh sáng và là những ngôi sao hàng xóm gần với chúng ta nhất. Sao Proxima có thật sự là một thành viên trong hệ sao ba này ? Tình trạng thật sự của nó không rõ ràng, có thể nó chỉ đơn giản là một ngôi sao đi qua gần đó và không phải là một phần của hệ sao này.


Hệ sao Alpha Centauri A và B cùng với ngôi sao thứ ba Proxima (mũi tên chỉ bên dưới). Credit : Đài quan sát nam Châu Âu
Nếu bạn quan sát qua một kính thiên văn nhỏ thì bạn sẽ thấy được hai ngôi sao chính mà sẽ không thấy sao Proxima, vì nó quá mờ để có thể dễ dàng nhận ra. Sao Alpha Centauri A chỉ là ngôi sao sáng thứ tư trên bầu trời đêm, sau sao Arcturus, nhưng mà vì nó còn có thêm người bạn Alpha Centauri B đồng hành nữa, nên nó vươn lên vị trí thứ ba.

Ngôi sao vàng Alpha Centauri A là ngôi sao loại G2 giống Mặt Trời, mặc dù nó lớn hơn Mặt Trời một chút. Ở gần đó có ngôi sao Hadar – nó là một ngôi sao riêng biệt và đôi khi thường được gọi là Beta Centauri (không nhầm lẫn với Alpha Centauri B), nó xuất hiện mờ hơn Alpha Centauri trên bầu trời vì trên thực tế, Hadar cách xa chúng ta đến 525 năm ánh sáng.


So sánh kích thước và màu sắc của những ngôi sao trong hệ sao Alpha Centauri so với Mặt Trời của chúng ta. Theo Wikimedia Commons.
Nhiệt độ bề mặt của Alpha Centauri A thấp hơn so với Mặt Trời, nó vào khoảng 5500 độ C nhưng đường kính của nó lớn hơn Mặt Trời khoảng 25% và độ sáng hơn 1,6 lần. Còn sao Alpha Centauri B thì nhỏ hơn Mặt Trời một chút, nó là sao quang phổ loại K2 với nhiệt độ bề mặt vào khoảng 5000 độ C và chỉ có độ sáng bằng nửa của Mặt Trời. Nếu nó đứng một mình thì nó sẽ là ngôi sao sáng thứ 21 trên bầu trời đêm của chúng ta.

Hai ngôi sao A và B có một quỹ đạo quanh tâm chung với chu kỳ 80 năm 1 vòng quay hình elip, với khoảng cách trung bình giữa hai ngôi sao là 11 AU – gấp 11 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.

Ngôi sao còn lại – sao Proxima có nhiệt độ bề mặt vào khoảng 2800 độ C và tối hơn khoảng 500 lần so với Mặt Trời của chúng ta, nó cách hai ngôi sao kia 1/5 năm ánh sáng, khoảng cách khá lớn này làm chúng ta phải đặt câu hỏi về ngôi sao này – nó có phải là thành viên của hệ sao này không ?

Làm cách nào để quan sát được nó ?

Alpha Centauri quan sát rất thuận lợi ở nam bán cầu, Việt Nam nằm ở bắc bán cầu nhưng chúng ta vẫn có thể quan sát được nó thấp ở gần chân trời, những khu vực nào từ vĩ tuyến 22 độ bắc trở lên sẽ không thấy được ngôi sao này. Khi quan sát từ bắc bán cầu, nó sẽ không bao giờ cao quá 20 độ trời ở bầu trời hướng nam.

Nếu bạn quan sát ở Úc hay những nước nam bán cầu, ngôi sao này sẽ ở gần thiên cực – có nghĩa là nó sẽ không bao giờ lặn.

Bạn có thể xác định ra ngôi sao này dễ dàng bằng cách tìm kiếm chòm sao Crux (Thập tự phương nam), chòm sao với 4 ngôi sao đặc biệt này sẽ chỉ hướng cho bạn đến ngôi sao Hadar, rồi từ đó bạn sẽ tìm ra được ngôi sao Alpha Centauri hay còn gọi với cái tên khác là Rigel Kentaurus hay Rigel Kent.

Atn Astr tham khảo từ Wikipedia và EarthSky.org