MƯA SAO BĂNG GEMINIDS 2016
Đến hẹn lại lên, cứ đến trung tuần tháng 12, những người yêu thiên văn học trên khắp thế giới lại đón chờ sự trở lại của mưa sao băng ngoạn mục Geminids. Tuy năm nay ánh trăng tròn sẽ phá rối bữa tiệc mưa sao băng, nhưng vẫn có những điều thú vị đang chờ bạn.




Một vệt sao băng Geminids sáng chói được chụp bởi Patrick Cullis vào tháng 12/2012 tại Colorado, Hoa Kỳ. Bạn có thể thấy chòm sao Orion (Thợ Săn) ở góc trái của ảnh và Sao Mộc đang tỏa sáng trong khu vực chòm Taurus (Kim Ngưu).


NGUỒN GỐC ĐẶC BIỆT
Khi mới được ghi nhận lần đầu tiên vào hồi giữa thế kỉ 18, Geminids chỉ là một trận mưa sao băng bé nhỏ, tần xuất cùng lắm đạt 10-20 vệt sao băng mỗi giờ, tuy nhiên qua thời gian, nó đã vươn lên đứng đầu danh sách những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm, vượt qua cả Perseids diễn ra vào tháng 8 (thật ra, đợt bùng nổ mưa sao băng Perseids năm nay khiến nó lớn hơn cả Geminids). Tại sao lại có hiện tượng kì lạ này ?


Quỹ đạo của thiên thạch 3200 Phaethon trong Hệ Mặt Trời

Nguyên nhân phát sinh từ nguồn gốc đặc biệt của những vệt sao băng xinh đẹp Geminids. Trong khi phần lớn các trận mưa sao băng khác gây nên bởi các sao chổi, thì Geminids lại bắt nguồn từ một thiên thạch có tên 3200 Phaethon, được phát hiện vào năm 1983 tức hơn một thế kỉ sau khi Geminids được ghi nhận lần đầu tiên. Cứ vào tháng 12 hằng năm, Trái Đất sẽ quét qua vùng quỹ đạo chứa đầy các bụi bị bỏ lại của 3200 Phaethon, các hạt bụi, mảnh đá đi qua bầu khí quyển, “bốc cháy” và tạo thành những vệt sao băng ấn tượng.
Theo thời gian, trọng lực của Mộc Tinh đẩy vùng quỹ đạo chứa bụi thiên thạch này tới gần Trái Đất hơn. Đó chính là lí do cực điểm Geminids hiện nay lớn hơn một thế kỉ trước rất nhiều. Có điều, Mộc Tinh sẽ làm quá tay. Nó có thể tác động quá mạnh khiến vùng quỹ đạo này vượt ra xa khỏi quỹ đạo Trái Đất, và kết quả là mưa sao băng Geminids biến mất mãi mãi.


HÒA CÙNG SIÊU TRĂNG



Vẻ đẹp Mưa sao băng Geminids trong một đêm trăng. Nguồn ảnh: amsmeteors.org

Dịp mưa sao băng Geminids năm nay rất tiếc lại rơi đúng vào những ngày trăng sáng. Ánh trăng chắc chắn sẽ át đi phần lớn số lượng sao băng bạn có thể nhìn thấy. Nhưng có một điều thú vị, trăng tròn hôm 14/12 (trăng sẽ tròn lúc 7h05 ngày 14/12, theo giờ VN) sẽ là lần siêu trăng cuối cùng trong năm. Dù lần này, siêu trăng không đạt kỉ lục như tháng trước, nhưng chính sự xuất hiện kết hợp với một trận mưa sao băng lớn biến nó trở thành một hiện tượng hiếm.. Như nhận xét của NASA: “ Ánh trăng sáng sẽ giảm khả năng quan sát các vệt sao băng mờ từ 5 đến 10 lần, khiến Geminids kì diệu chỉ còn là lời chú thích ở cuối trang báo. Các nhà quan sát may mắn có thể thấy được một vài chục sao băng mỗi giờ lúc cực điểm. Nhưng ít nhất ánh trăng sẽ thật đặt biệt.”

ĐỂ CÓ MỘT ĐÊM QUAN SÁT HIỆU QUẢ


• Chú ý đến thời gian: Geminids hoạt động trong khoảng 04/12-16/12, và sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14. Tuy nhiên, hôm đó trăng rất sáng nên bạn có thể bắt đầu quan sát từ đêm hôm trước (12-13/12), tần xuất không có sự khác biệt nhiều nhưng lại ít bị ảnh hưởng bởi ánh trăng. Khác với nhiều trận mưa sao băng khác, sao băng Geminids thường có thể quan sát ngay từ buổi tối, tầm 9-10h, nhưng thời điểm tốt nhất từ khoảng 2h sáng đến trước bình minh.

• Lựa chọn địa điểm: Dù ánh trăng năm nay là một tác nhân gây ô nhiễm ánh sáng không thể tránh, bạn vẫn nên lựa chọn một nơi quan sát thật thoáng đãng, tầm nhìn rộng và khuất khỏi các nguồn ánh sáng nhân tạo.

• Nhìn về chòm sao Gemini (Song Tử) : Các sao băng thường sẽ phát ra từ khu vực chòm sao Gemini, mọc hướng đông từ lúc chập tối. Khoảng 2h sáng, nó đạt vị trí cao nhất ở hướng nam và sẽ chuyển dần về hướng tây lúc gần sáng.



Khác với nhiều người thường nhầm tưởng, ngắm mưa sao băng đơn thuần chỉ cần mắt thường, không cần bất kì kính thiên văn hoặc ống nhòm nào cả. Hãy ngả lưng xuống ghế, thư giãn và kiên nhẫn chờ đợi. Cần lưu ý tháng 12 là mùa đông ở miền bắc, vậy nên bạn hãy chuẩn bị áo khoác và chăn đắp để đảm bảo sức khỏe.