CHÒM SAO GEMINI - HIỆN THÂN CỦA TÌNH ANH EM



Gemini hay Song Tử (♊) là một trong những chòm sao hoàng đạo. Nó đồng thời cũng là một trong 48 chòm sao Ptolemy và một trong 88 chòm sao hiện đại ngày nay. Gemini theo tiếng Latinh có nghĩa là “cặp song sinh” và nó được gắn với câu chuyện của hai anh em Castor và Pollux trong thần thoại Hy Lạp.

THẦN THOẠI

Trong thần thoại Hy Lạp, Castor và Pollux là anh em sinh đôi cùng mẹ khác cha. Cùng là con của mẹ Leda nhưng Castor là con của Tyndareus, vua xứ Sparta, chồng của Leda, còn Pollux là con của Zeus, vua của các vị thần. Đó là hai đứa trẻ trung hậu, rất dũng cảm và cùng nhau nổi danh khi lập được nhiều chiến công hiển hách trong nhiều trận đánh. Một lần, Castor tử trận. Buồn vô hạn, Pollux đã cố gắng tự sát theo anh. Nhưng do Pollux được thừa hưởng dòng máu của Zeus nên là một chiến binh bất tử. Khi đó, Pollux đã cầu xin vua cha cũng ban cho Castor sự bất tử, và Zeus đã đồng ý, bằng cách đưa cả 2 cùng nhau lên bầu trời. Cũng kể từ đó chòm sao Gemini được coi là biểu tượng cho tình bạn, tình anh em. Đó chính là lý do người ta đặt tên Pollux và Castor là 2 ngôi sao sáng nhất trên của chòm sao này, tượng trưng cho 2 người anh hùng.


Chòm sao Gemini trên bầu trời Hà Nội đêm 8/12/2016. Ảnh: Stellarium.


QUAN SÁT

Gemini khá dễ quan sát, ngay cả đối với dân nghiệp dư. Nó nằm ở phía bắc của Orion, giữa Taurus và Cancer trên mặt phẳng hoàng đạo. Mặt Trời đi qua chòm sao này trên đường hoàng đạo từ ngày 20/6 đến 20/7 hằng năm (mặc dù cung hoàng đạo này là từ 21/5 – 21/6). Vào giữa tháng 8, Gemini sẽ xuất hiện dọc theo đường chân trời phía đông mỗi sáng bình minh trước khi Mặt Trời mọc.
• Xích kinh: 7h
• Xích vĩ: 20°
• Quan sát được tại toàn bộ bán cầu Bắc và phần lớn bán cầu Nam
• Quan sát tốt nhất trong tháng 2. Vào tháng 4, tháng 5, Gemini có thể được nhìn thấy sớm ngay sau khi Mặt Trời lặn.


Vị trí của Gemini trên bầu trời. Ảnh: IAU and Sky & Telescope magazine.

Cách dễ dàng nhất để xác định Gemini là tìm hai ngôi sao sáng nhất của nó. Castor và Pollux nằm về phía đông hướng từ chữ V quen thuộc của chòm Taurus và 3 ngôi sao thẳng hàng nổi tiếng của chòm Orion. Hoặc cách khác, bạn có thể vẽ một đường từ cụm sao Pleiades (Thất Nữ - Tua Rua) trong chòm Taurus và ngôi sao sáng nhất của chòm Leo, Regulus. Làm như vậy, bạn đang vẽ một đường tưởng tượng gần với mặt phẳng hoàng đạo, một đường cắt Gemini tại gần như chính giữa, chỉ ngay dưới Castor và Pollux. Ngoài ra, có một điều thú vị là, tại vĩ độ trung bình ở Bắc bán cầu, khi 2 ngôi sao sáng nhất của Gemini, Castor và Pollux gần như trên đỉnh đầu thì Sirius, ngôi sao sáng nhất của bầu trời đêm, lại tỏa sáng thấp hơn trên bầu trời phía Nam. Còn tại Nam bán cầu thì hoàn toàn ngược lại: Sirius lấp lánh trên cao trong khi Gemini hiện lên thấp trên bầu trời phía Bắc.

ĐẶC ĐIỂM

Cái tên Gemini của chòm sao được đặt theo anh em sinh đôi mà hai ngôi sao sáng nhất, cũng được đặt theo tên của hai anh em đó. Castor và Pollux tượng trưng cho đầu của hai đứa trẻ, trong khi những ngôi sao mờ hơn phác họa thân hình của chúng. Pollux, một ngôi sao khổng lồ màu cam là ngôi sao sáng hơn, trong khi Castor thực chất là một hệ 6 ngôi sao là ngôi sao trắng, mờ hơn một chút.
Tuy chòm sao chỉ đứng thứ 30 về diện tích, Song Tử có tới 70 sao có thể quan sát bằng mắt thường. Những vật thể đáng chú ý nhất trong chòm sao này bao gồm Tinh vân Eskimo, Tinh vân Medusa và Geminga, một sao neutron. Gemini cũng bao gồm cụm sao mở Messier 35, một trong số những thiên thể được được định vị bởi nhà thiên văn học người Pháp Charles Messier năm 1771. M35 nằm gần “chân” của cặp song sinh. Cụm sao này được các nhà thiên văn ước chừng đã khoảng hơn 100 tuổi. Ngoài ra, cũng có thể để ý đến tinh vân Jellyfish IC 443, cụm sao mở NGC 2158, NGC 2355 hay tinh vân hành tinh NGC 2371-2.


Tinh vân Eskimo. Ảnh: NASA/Andrew Fruchter (STScI).


Cụm sao mở M35. Ảnh: Wikimedia Commons.

MỘT SỐ NGÔI SAO CHÍNH

Pollux
Một ngôi sao khổng lồ màu cam nằm cách Trái Đất 34 năm ánh sáng. Với độ lớn gấp khoảng 9 lần Mặt Trời và khối lượng vào khoảng 2 lần, Pollux là ngôi sao sáng nhất của chòm sao Gemini. Ngoài ra, nó còn được biết đến với cái tên β Geminorum.
Castor
Còn được biết đến với tên gọi α Geminorum, Castor thực chất là một hệ 6 sao với 3 hệ sao đôi chuyển động quanh một tâm hấp dẫn. Ngôi sao chính có khối lượng gấp khoảng 3 lần Mặt Trời và có bán kính gấp 2 lần. Chúng nằm cách Trái Đất 52 năm ánh sáng.


Một số ngôi sao chính của chòm Gemini. Những con số bên cạnh chỉ độ sáng biểu kiến của chúng. Con số càng nhỏ, ngôi sao càng được nhìn rõ từ Trái Đất.

Wasat
Cũng được biết đến với tên gọi δ Geminorum, Wasat thực ra là một hệ 3 ngôi sao cách Trái Đất 60 năm ánh sáng. Hệ này bao gồm một cặp sao đôi quay quanh một ngôi sao thứ ba mờ hơn.
Mekbuda
Là một ngôi sao khổng lồ với nhiệt độ bề mặt tương tự như Mặt Trời, Mekbuda có đường kính lớn gấp 65 lần Mặt Trời và khối lượng gấp khoảng 8 lần, còn được biết đến với tên gọi ζ Geminorum.
Mebsuta
Là một ngôi sao siêu khổng lồ cách Trái Đất 800 năm ánh sáng, Mebsuta có đường kính lên tới 150 lần so với Mặt Trời và khối lượng khoảng 29 lần, cũng được gọi với cái tên ε Geminorum.
Alzirr
Là một ngôi sao trắng hơi vàng cách Trái Đất 60 năm ánh sáng, Alzirr (ξ Geminorum) nặng gấp rưỡi Mặt Trời và có bán kính lớn hơn khoảng 3 lần.
Alhena
Là một ngôi sao trắng đang trong quá trình trở thành khổng lồ, Alhena cách Trái Đất khoảng 100 năm ánh sáng với bán kính và khối lượng bằng khoảng 3 lần Mặt Trời. Nó cũng được biết với cái tên γ Geminorum.
Tejat Posterior
Tejat Posterior (μ Geminorum) là một sao khổng lồ đỏ với độ sáng gấp 2500 lần Mặt Trời, khiến nó trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất của Gemini. Nó nằm cách Trái Đất khoảng 230 năm ánh sáng.
Tejat Prior
Là một hệ 3 ngôi sao cách Trái Đất 350 năm ánh sáng với ngôi sao chính là một sao khổng lồ đỏ, Propus cũng được biết đến với cái tên η Geminorum.
Propus
Propus (ι Geminorum) là một sao biến quang với khoảng cách so với chúng ta vào khoảng 326 năm ánh sáng.

MƯA SAO BĂNG GEMINIDS


Mưa sao băng Geminids 2009. Ảnh: Wally Pacholka, theo APOD.

Mưa sao băng Geminids là cơn mưa sao băng được mong chờ nhất trong năm, cực đỉnh của nó rơi vào ngày 13, 14/12 hằng năm với khoảng 100 mưa sao băng mỗi giờ, và điều này khiến nó trở thành cơn mưa sao băng sáng, đẹp, rực rỡ và nhiều sao băng nhất. Ngoài ra còn một cơn mưa sao băng nhỏ hơn khác cũng thuộc chòm sao này, đó là Epsilon Geminids với cực đỉnh rơi vào 18/10 đến 29/10 hằng năm, và cơn mưa sao băng này chỉ vừa mới được xác nhận bởi các nhà thiên văn học thời gian gần đây. Mưa sao băng Epsilon Geminids bị trùng với cơn mưa sao băng Orionids, nên làm cho Epsilon Geminids khó có thể phát hiện ra bằng mắt thường.

--
Tổng hợp từ: Wikipedia, Space.com, Earthsky.org, Solarsystemquick.com, Constellation-guide.com và một số nguồn khác.