Trong năm mới 2017, người yêu thiên văn học Việt Nam lại có cơ hội để thưởng thức những vẻ đẹp tuyệt vời của bầu trời, đó có thể là những trận mưa sao băng thắp sáng màn đêm, những sao chổi ẩn mình trong muồn ngàn vì sao, nguyệt thực kì bí hay các hành tinh xinh đẹp. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất về các hiện tượng thiên văn đặc sắc trong năm. Thời gian trong bài viết đã được quy đổi ra giờ Việt Nam, có một số sự kiện ở nước ta không thể quan sát được nên không xuất hiện ở đây. Với nhiều sự kiện, chúng tôi chỉ cung cấp một vài thông tin cơ bản nhất, cụ thể sẽ được thông báo trong các bài viết gần sự kiện đó. Chúc các bạn có một năm thành công với thiên văn học.

THÁNG 1
03 – 04 tháng 01: Cực điểm mưa sao băng Quadrantids
Đây là mưa sao băng ở mức trên trung bình, tần xuất có thể lên đến 40 vệt sao băng mỗi giờ ở lúc đỉnh điểm. Người ta cho rằng Quadrantids bắt nguồn từ bụi còn sót lại của một sao chổi đã không còn tồn tại có tên 2003 EH1, được phát hiện vào năm 2003. Mưa Quandrantids diễn ra hàng năm từ ngày 1 tháng 1 cho đến ngày 5 tháng 1 và đạt đỉnh điểm trong năm nay vào đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4 tháng 1. Trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ lặn ngay sau nửa đêm và để lại một bầu trời đủ tối cho những màn trình diễn sao băng sinh đẹp. Thời gian quan sát thích hợp nhất là lúc rạng sáng từ một địa điểm quan sát tối, tầm nhìn quang đãng, tránh khỏi ánh đèn điện. Các sao băng thường xuất hiện từ chòm sao Bootes (Mục Phu), nhưng bạn vẫn có thể thấy từ bất từ bất cứ nơi nào trên bầu trời.



04 tháng 1: Trái Đất đến điểm cận nhật
Vào lúc 21:28, Trái Đất sẽ đi tới điểm cận nhật, tức điểm gần Mặt Trời nhất trên quỹ đạo hàng năm. Lúc này, nó sẽ cách Mặt Trời 147.1 triệu km. Nhiều người thường nhầm tưởng Trái Đất sẽ nóng nhất vào lúc nó tới gần Mặt Trời nhất trong năm, nhưng rõ ràng lúc này bắc bán cầu đang trải qua giữa mùa đông.

12 tháng 1: Sao Kim đạt ly giác đông lớn nhất

Trong nhiều tháng, hình ảnh Sao Kim rực sáng trên bầu trời phía tây tây nam sau lúc hoàng hôn đã trở nên vô cùng quen thuộc. Cho đến ngày 12 tháng 1, hành tinh này sẽ nằm 47.1 độ về phía đông của Mặt Trời. Đây là thời điểm rất thuận lợi để quan sát Sao Kim vào lúc chiều tối bởi nó sẽ vẫn ở trên bầu trời cho đến 20:59, lặn sau Mặt Trời 3 tiếng rưỡi tiếng đồng hồ. Ở độ sáng -4.42, nó là vật thể sáng nhất sau bầu trời đêm nếu không kể đến Mặt Trăng. Một chiếc kính thiên văn nghiệp dư sẽ giúp bạn thấy hình dáng bán nguyệt của hành tinh này.

19 tháng 1: Sao Thủy đạt ly giác tây lớn nhất
Sao Thủy sẽ nằm cách Mặt Trời khoảng 24,1o về phía tây, nhìn trên bầu trời hành tinh này không bao giờ cách Mặt Trời xa quá 28o. Đây là thời điểm tốt trong năm để tìm Sao Thủy bởi xuất hiện lâu nhất trên bầu trời sáng sớm trước khi chìm vào ánh sáng Mặt Trời. Tuy nói vậy nhưng để quan sát một hành tinh ở đang ở độ sáng +0.69, mọc trước Mặt Trời chỉ 1 giờ 40 phút không phải là điều dễ.

THÁNG 2


11 tháng 2: Nguyệt thực nửa tối
Giống như các hiện tượng nguyệt thực khác, nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời. Khi đó Mặt Trăng đi qua vùng nửa tối trong bóng của Trái Đất. Hiện tượng này không có gì đặc sắc bởi Mặt Trăng chỉ tối đi đôi chút.
Nguyệt thực nửa tối lần này diễn ra từ 05 :35 đến 9 :54, đạt cực đại vào lúc 07 :45. Tại Việt Nam, hiện tượng này xảy ra từ lúc trăng sắp lặn và trời đang sắp sáng , cho nên bạn sẽ không hy vọng thấy được điều gì thú vị.

11 tháng 2: Sao chổi 45P/Honda-Mrkos- Pajdusakova đạt độ sáng cực đại.
Được phát hiện một cách độc lập bởi ba nhà thiên văn Minoru Honda, Antonin Mrkos và L’udmila Pajdusakova vào tháng 12 năm 1948, sao chổi 45P chuyển động trên quỹ đạo quanh Mặt Trời theo chu kỳ rất ngắn, chỉ 5.25 năm. Nó đã tới điểm cận nhật vào ngày 29 tháng 12 năm ngoái và sẽ đi ngang qua Trái Đất vào ngày 11 tháng 2, 2017. Các nhà quan sát kỳ vọng 45P có thể đạt tới độ sáng +7.0 tức là có thể phát hiện bằng ống nhòm hoặc các kính thiên văn nhỏ trên bầu trời buổi sáng sớm, trước lúc Mặt Trời mọc.



26 tháng 2: Nhật thực hình khuyên (không quan sát được ở Việt Nam)
Nhật thự hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng ở xa nên quá nhỏ, không đủ che khuất hoàn toàn Mặt Trời. Đây là một hiện tượng hiếm và đầy hấp dẫn. Nhưng thật đang tiếc lần Nhật thực hình khuyên này diễn ra lúc Việt Nam đang ở ban đêm, cho nên chúng ta sẽ không được chứng kiến bất kì điều gì đặc biệt.

THÁNG 3


15 tháng 3: Sao chổi 2P Encke đạt độ sáng cực đại

Sao chổi 2P Encke được phát hiện bởi Pierre Mechain vào năm 1786, đây là sao chổi nổi tiếng bởi chu kì rất ngắn của nó. Cứ sau 3.3 năm nó sẽ lại tiến đến gần Mặt Trời. Năm nay, nó được dự báo đạt độ sáng cực đại khoảng +6.0 vào giữa tháng 3, tuy nhiên độ sáng của 2P Encke rất khó dự báo bởi không ai biết nó sẽ ra sao khi tới gần Mặt Trời. Quan sát sao chổi Encke rất khó quan sát bởi nó đang nằm quá gần Mặt Trời.

20 tháng 3: Xuân phân
Ngày hôm nay là Xuân phân, chính xác vào lúc 17:21, là ngày mà thời gian giữa ngày và đêm bằng nhau ở khắp mọi nơi trên Trái Đất. Cũng theo định nghĩa về mùa theo thiên văn học, đây là mốc đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân ở bắc bán cầu và mùa thu ở nam bán cầu.

THÁNG 4
1 tháng 4: Sao Thủy ở đạt ly giác đông lớn nhất
Sao Thủy sẽ nằm cách xa Mặt Trời khoảng 19 độ về phía đông. Đây được coi là thời gian lý tưởng nhất để quan sát Sao Thuỷ vào buổi chiều tối cho những người ở bắc bán cầu, nhưng cũng thật khỏ bởi nó lặn ngay lúc 19:30, chỉ 1 giờ 21 phút sau Mặt Trời. Bạn có thể tìm nó ngay khi trời bắt đầu nhập nhoạng tối, tốt nhất nên sử dụng ống nhòm để khảo sát vùng trời gần chân trời phía tây.

5 tháng 4: Sao chổi 41P/Tuttle-Giacobini-Kresak đạt độ sáng cực đại
Vào ngày này, sao chổi chu kỳ ngắn 41P/Tuttle-Giacobini-Kresak được phát hiện năm 1907 sẽ bay đến gần Trái Đất nhất và kỳ vọng đạt độ sáng tối đa. Nếu có một vụ bùng nổ bất ngờ xảy ra giống như ở các lần xuất hiện trước, nó có thể vươn tới độ sáng +3.0 vào dịp đầu tháng 4, rất dễ thấy bằng mắt thường, còn nếu không khả năng sao chổi chỉ đạt đến độ sáng +6.0. Gần một tuần sau, vào ngày 11 tháng 4, sao chổi sẽ tới điểm cận nhật, cách Mặt Trời 1.05 AU.

7 tháng 4: Sao Mộc ở vị trí trực đối
Hiện tượng trực đối xảy ra khi một hành tinh kể từ Hỏa Tinh trở ra nằm gần như đối diện với Mặt Trời trên bầu trời. Lúc Mặt Trời lặn cũng chính là lúc hành tinh đó mọc và ngược lại. Đồng thời, đây cũng là thời điểm hành tinh đó gần Trái Đất nhất trong năm. Mộc Tinh trong lần trực đối này nó sẽ ở độ sáng -2.47, mọc lúc 18:09, xuất hiện trên bầu trời trong ranh giới của chòm sao Virgo (Xử Nữ) suốt cả đêm dài cho đến khi lặn lúc 05:54 sáng hôm sau. Đây là khoảng thời gian tốt để quan sát và chụp hình Sao Mộc cùng vệ tinh của nó. Mộc chiếc kính thiên văn sẽ cho bạn thấy vài dải mây của Sao Mộc cùng 4 vệ tinh Galile đang chuyển động xung quanh nó.

22-23 tháng 4: Mưa sao băng Lyrids
Lyrids là một trận mưa sao băng cỡ nhỏ, với tần xuất khoảng 20 sao băng mỗi giờ trong điều kiện quan sát tốt. Mưa sao băng này có nguồn gốc từ sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được khám pha năm 1861. Lyrids diễn ra từ ngày 16 đến 24 tháng 4 hàng năm và đạt cực đại trong năm nay vào đêm 22 và rạng sáng 23. Sao băng thường sẽ tỏa ra từ chòm Lyra (Thiên Cầm) nhưng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ nơi nào trên bầu trời. Thi thoảng sẽ có những sao băng để lại vệt bụi sáng kéo dài trong vài giây vô cùng ấn tượng. Trăng lưỡi liềm không phải là vấn đề quá lớn trong năm nay, bầu trời vẫn đủ tối để cho những màn trình diễn sao băng tuyệt vời. Hãy chọn một vị trí quan sát tốt, thoáng đãng, tránh xa ánh đèn thành phố và bắt đầu ngắm sao băng sau lúc nửa đêm.

THÁNG 5


6-7 tháng 5: Mưa sao băng Eta Aquarids

Eta Aquarids là mưa sao băng trên mức trung bình với tần xuất có
thể lên đến 60 sao băng/giờ, tuy nhiên mức độ này chỉ thấy được ở Nam bán cầu. Còn ở bắc
bán cầu, tỉ lệ này chỉ đạt 30 sao băng/giờ. Mưa Eta Aquarids được tạo thành từ sao chổi
Halley, một sao chổi nổi tiếng đã quan sát thấy từ thời cổ đại. Eta Aquarids diễn ra hàng năm từ
19 tháng 4 đến 28 tháng 5 và đạt cực đại vào đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6 tháng 5. Trăng khuyết tròn sẽ cản trở sự xuất hiện của nhiều sao băng mờ. Nhưng nếu đủ kiên nhẫn , bạn vẫn có thể thấy được một số sao băng sáng hơn. Hãy chọn một địa điểm quan sát thoáng đãng, tránh xa ánh đèn điện và bắt đầu ngắm sao băng từ sau lúc nửa đêm. Sao băng sẽ tỏa ra từ chòm Aquarius (Bảo Bình) nhưng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ nơi nào trên bầu trời.



18 tháng 5: Sao Thủy đạt ly giác tây lớn nhất
Sao Thủy sẽ nằm cách xa Mặt Trời khoảng 25,8 độ về phía tây. Đây là thời điểm thuận lợi để tìm kiếm hành tinh này trong bầu trời buổi sáng, trước khi Mặt Trời lên. Hành tinh này bắt đầu mọc lúc 03:58, khoảng 1 giờ 19 phút trước khi Mặt Trời ló rạng. Bạn nên thử tìm hành tinh này trước lúc 05:00 ở hướng đông với sự trợ giúp của ống nhòm.

THÁNG 6


3 tháng 6: Sao Kim đạt ly giác tây lớn nhất

Sau khi đạt ly giác đông lớn nhất vào hồi đầu năm, Sao Kim ngày càng di chuyển lại gần Mặt Trời, đồng thời cũng chuyển dần sự xuất hiện từ buổi tối sang buổi sáng. Đến ngày 3 tháng 6, Sao Kim đạt ly giác đông lớn nhất, cách Mặt Trời 45,9 độ về phía đông. Đây là khoảng thời gian thuận lợi nhất để quan sát Sao Kim trong bầu trời sáng sớm, trước lúc Mặt Trời mọc. Hành tinh này đang ở độ sáng -4.2, mọc lúc 02:37, trước Mặt Trời 3 tiếng đồng hồ. Nếu chịu khó dậy sớm, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra hành tinh Vệ Nữ sinh đẹp ở bầu trời phía đông, cách cụm sao M45 của chòm Taurus (Kim Ngưu) không xa.



15 tháng 6: Sao Thổ đạt vị trí trực đối
Sao thổ sẽ xuất hiện gần Trái Đất nhất, ở khoảng cách 9.04 AU, nhưng thực tế sẽ không tạo nên bất kì sự khác biệt nổi bật nào. Cũng trong ngày này, Thổ Tinh sẽ đạt độ sáng +0.01, mọc lúc chập tối (18:32) ở hướng đông đông nam , lên cao nhất vào đúng nửa đêm và lặn ngay trước lúc Mặt Trời mọc (18:23). Với một kính thiên văn tốt, hướng về Thổ Tinh đang nằm trong chòm Ophiuchus (Người cầm rắn), bạn sẽ được chiêm ngưỡng vành đai tuyệt đẹp của hành tinh này cùng một vài vệ tinh đang chuyển động xung quanh nó.

21 tháng 6. Hạ chí
Hạ chí sẽ diễn ra vào lúc 11:15. Đây sẽ là ngày dài nhất trong năm ở bắc bán cầu và được coi là mốc bắt đầu của mùa hạ. Ở nam bán cầu, điều ngày ngược lại, có nghĩa đây sẽ là ngày ngắn nhất trong năm, đồng thời là mốc bắt đầu của mùa đông.

THÁNG 7


28-29 tháng 7: Mưa sao băng Delta Aquarids
Đây là một mưa sao băng cỡ trung bình với tần xuất có thể lên đến 20 sao băng mỗi giờ ở đỉnh điểm. Các sao băng được tạo ra bởi bụi bị bở lại bởi các sao chổi Marsden và Kracht. Mưa sao băng này diễn ra hàng năm từ ngày 12 tháng 07 đến ngày 23 tháng 08. Nó đạt đỉnh trong năm nay vào đêm 28 tháng 7 và rạng sáng ngày 29. Trăng lưỡi liềm sẽ lặn lúc trước nửa đêm, để lại bầu trời đủ tối cho màn trình diễn sao băng. Quan sát tốt nhất từ một vị trí tối sau nửa đêm. Sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

30 tháng 7: Sao Thủy đạt ly giác đông lớn nhất.
Sao Thủy sẽ nằm cách xa khoảng 27.2 độ về phía đông của Mặt Trời. Đây là thời gian lý tưởng để quan sát Sao Thuỷ vào lúc chiều tối ngay sau khi Mặt Trời lặn. Bạn hãy tìm nó ở rất thấp gần chân trời phía tây ngay sau lúc hoàng hôn.

THÁNG 8


7-8 tháng 8: Nguyệt thực một phần
Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào phần nửa tối của bóng Trái Đất, hoặc chỉ một phần của nó đi vào vùng tối. Trong quá trình này, một phần Mặt Trăng sẽ hoàn toàn tối, trong lần nguyệt thực này là 24% bề mặt Mặt Trăng. Nguyệt thực lần này có thể quan sát được ở Đông Phi, Trung Á, Đông Á và Úc. Tại Việt Nam chúng ta có thể quan sát được toàn bộ hiện tượng này từ lúc 22:51 đêm ngày 7 cho đến 3:51 sáng ngày 8 tháng 8. Đây là một trong những hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất đối với người Việt Nam trong năm nay.



12-13 tháng 8: Mưa sao băng Perseids
Perseids là một trong những mưa sao băng lớn nhất trong năm, tần xuất có thể lên đến 60 sao băng mỗi giờ ở đỉnh điểm. Nó bắt nguồn sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện vào năm 1862. . Mưa sao băng này diễn ra hàng năm từ ngày 17 tháng 7 đến tháng 24 tháng 8. Nó đạt đến đỉnh trong năm nay vào đêm 12 và rạng sáng ngày 13 tháng 08. Trăng khuyết cuối tháng sẽ cản trở sự xuất hiện của các sao băng mờ, nhưng vì Perseids nổi tiếng sản sinh ra nhiều sao băng sáng, nên bạn vẫn có thể yên tâm thưởng thức mưa sao băng. Quan sát tốt nhất sẽ từ một vị trí tối sau nửa đêm. Sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Perseus (Anh tiên), nhưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

22 tháng 8: Nhật thực toàn phần (Việt Nam không quan sát được)
Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng hoàn toàn che khuất ánh sáng Mặt Trời, đây là một hiện tượng thiên văn rất hiếm, một phần bởi mỗi khi xảy ra rất ít khu vực trên thế giới có cơ hội quan sát. Nhật thực toàn phần lần này bắt đầu ở vùng Thái Bình Dương, đi qua trung tâm Hoa Kỳ và kết thúc ở Đại Tây Dương. Pha Nhật thực một phần có thể thấy được ở hầu hết Bắc Mỹ và một số nơi ở Nam Mỹ. Ở Việt Nam không thấy được lần nhật thực này

THÁNG 9


5 tháng 9: Sao Hải Vương đạt vị trí trực đối

Hành tinh xanh xa xôi nhất của Hệ Mặt Trời sẽ tiến đến vị trí gần Trái Đất nhất và bề mặt được ánh sáng Mặt Trời chiếu rõ nhất. Nó sẽ sáng hơn bất kỳ thời gian nào khác trong năm và sẽ ở trên bầu trời trong suốt cả đêm. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp ảnh Sao Hải Vương. Tuy nhiên vì cách quá xa nên bạn sẽ không thấy gì đặc biệt cho dù sử dụng bất cứ kính thiên văn nào.

12 tháng 9: Sao Thủy ở vị trí xa nhất về phía Tây
Sao Thủy sẽ nằm cách xa Mặt Trời khoảng 17,9 độ về phía Tây. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để quan sát Sao Thủy nó sẽ ở vị trí cao nhất so với đường chân trời trước khi Mặt Trời mọc.

23 tháng 9: Thu phân
Thu phân sẽ diễn ra vào lúc 02:53. Vào ngày này thời gian giữa ngày và đêm bằng nhau ở mọi nơi trên Trái Đất. Theo định nghĩa về mùa của thiên văn học, ngày này được coi là mốc đánh dấu sự bắt đầu của mùa thu ở bắc bán cầu và mùa xuân ở nam bán cầu.

THÁNG 10

7 tháng 10: Mưa sao băng Draconids
Mưa sao băng Draconids chỉ là một mưa sao băng nhỏ với khoảng 10 sao băng mỗi giờ lúc cực điểm. Nó được tạo thành từ bụi sót lại phía sau của sao chổi 21P Giacobini-Zinner, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1900. Mưa sao băng Draconids diễn ra hàng năm từ ngày 06 tháng 10 đến 10 thang 10 và đạt đỉnh trong năm nay vào đêm ngày 8 và rạng sáng ngày 9. Nhưng thật không may, trăng gần tròn sẽ cản trở sự xuất hiện của phần lớn sao băng. Nhưng nếu đủ kiên nhẫn, bạn vẫn sẽ thấy được những sao băng sáng nhất. Xem tốt nhất từ tối ở một nơi thoáng đãng, xa ánh đèn thành phố. Các sao băng thường sẽ tỏa ra từ chòm sao Draco (Thiên Long), nhưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

19 tháng 10: Sao Thiên Vương đạt vị trí trực đối
Sao Thiên Vương sẽ tiến đến gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ được chiếu sáng đầy đủ nhất bởi Mặt Trời. Đây là thời điểm Sao Thiên Vương sáng nhất trong năm và xuất hiện suốt từ chập tối cho đến tận sáng hôm sau. Tuy nhiên do khoảng cách quá xa, hành tinh này chỉ giống như một đốm xanh không có gì đặc biệt ngay cả khi quan sát bằng kính thiên văn cỡ lớn.

21-22 tháng 10: Mưa sao băng Orionids
Orionids là một mưa sao băng cỡ trung bình với tần xuất khoảng 20 sao băng mỗi giờ ở lúc đỉnh điểm. Nó được sản sinh từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi Halley, đã được biết đến và quan sát thấy từ thời cổ đại.Các sao băng trong trận mưa này có thể thấy từ ngày 02 tháng 10 đến ngày 7 tháng 11. Nó đạt đến đỉnh trong năm nay vào đêm ngày 21 và rạng sáng ngày 22. Trăng lưỡi liềm sẽ sớm lặn vào buổi tối nên không ảnh hưởng gì đến buổi quan sát. Bạn nên tìm một nơi tối, tầm nhìn thoáng đãng, xa ánh đèn thành phố và bắt đầu quan sát từ sau nửa đêm. Sao băng thường sẽ tỏa ra từ chòm sao Orion (Thợ săn), nhưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.




THÁNG 11


4-5 tháng 11: Mưa sao băng Taurids
Đây chỉ là một mưa sao băng nhỏ và nhưng kéo dài khá lâu, với chỉ khoảng 5-10 sao băng mỗi giờ. Nó đặc biệt ở chỗ bao gồm 2 dòng có nguồn gốc khác biệt. Dòng thứ nhất được tạo thành từ bụi còn sót lại của thiên thạch 2004 TG10. Dòng thứ 2 là từ các mảnh vỡ của sao chổi 2P Encke. Mưa sao băng này diễn ra hàng năm từ ngày 7 tháng 9 đến ngày 10 tháng 12 và đạt cực đại vào đêm ngày 5 tháng11. Năm nay thật không may trăng tròn sẽ gây cản trở lớn cho việc quan sát. Nếu may mắn, bạn vẫn có thể thấy được những vệt sao băng sáng nhất. Các sao băng thường sẽ tỏa ra từ chòm sao Taurus (Kim Ngưu), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời. Nói chung bạn không nên hy vọng quá vào trận mưa này.

17-18 tháng 11: Mưa sao băng Leonids

Leonids là một mưa sao băng cỡ trung bình, với tần xuất chỉ khoảng 15 sao băng mỗi giờ ở đỉnh điểm. Mưa sao băng này đặc biệt là cứ sau khoảng 33 năm, nó lại xảy ra với mức độ rất lớn lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sao băng có thể được nhìn thấy mỗi giờ. Lần gần đây nhất đã xảy ra vào năm 2001. Các sao băng Leonids được tạo thành bởi bụi sót lại phía sau của sao chổi Tempel-Tuttle, được phát hiện vào năm 1865. Mưa sao băng xảy ra từ ngày 6 tháng 11 cho đến 30 tháng 11 và đạt đỉnh trong năm nay vào đêm 17, rạng sáng ngày 18. Năm nay trăng cuối tháng âm lịch sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc quan sát. Bầu trời vẫn đủ tối để các vệt sao băng xinh đẹp xuất hiện. Sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Leo (Sư tử), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời. Quan sát tốt nhất từ sau nửa đêm từ một nơi tối, thoáng đãng, xa ánh đèn.

24 tháng 11: Sao Thủy đạt ly giác đông lớn nhất
Sao Thủy sẽ nằm cách xa về phía đông của Mặt Trời. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để tìm kiếm Sao Thủy vào lúc chập tối, ngay sau khi Mặt Trời vừa lặn. Bạn hãy thử tìm nó bằng cách quan sát thấp gần chân trời phía tây sau buổi hoàng hôn.

THÁNG 12


3 tháng 12: Siêu trăng tròn
Trong năm 2017 có tổng cộng 4 lần siêu trăng, nhưng 3 trong số đó là các siêu trăng xảy ra vào kì trăng non mà bạn không thể quan sát. Chỉ có siêu trăng lúc 22:47 ngày 3 tháng 12 là siêu trăng tròn duy nhất có thể thấy trong năm nay. Vào ngày này, trăng tròn nhìn to hơn và sáng hơn đôi chút, tuy nhiên rất khó nhận ra.

13-14 tháng 12: Mưa sao băng Geminids

Geminids được xem là mưa sao băng lớn nhất trong năm, tần xuất có thể lên đến 120 sao băng mỗi giờ ở đỉnh điểm. Các sao băng Geminids được tạo thành từ vật chất còn sót lại phía sau của tiểu hành tinh 3200 Phaethon, phát hiện vào năm 1982. Mưa sao băng này diễn ra hàng năm từ ngày 7 đến 17 tháng 12 và đạt đến đỉnh trong năm nay vào đêm 13, rạng sáng ngày 14. Trăng khuyết cuối tháng sẽ không là vấn đề ảnh hưởng lớn trong năm nay bởi bầu trời vẫn đủ tối cho màn trình diễn sao băng tuyệt vời. Sao băng thường sẽ tỏa ra từ chòm sao Gemini (Song tử), nhưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời. Chòm sao Song tử sẽ mọc ngay từ tối ở hướng đông nhưng để quan sát được tốt nhất bạn hãy chờ đến nửa đêm trở đi khi chòm sao này đã lên cao.



21 tháng 12: Đông chí

Đông chí sẽ diễn ra vào lúc 23:19. Đây là ngày có thời gian mặt trời xuất hiện ngắn nhất trong năm ở bắc bán cầu, và được coi là sự bắt đầu của mùa đông. Còn ở nam bán cầu, đây lại là ngày có thời gian ban ngày dài nhất, đồng thời là ngày đầu tiên của hè.

21-22 tháng 12: Mưa sao băng Ursids
Đây là một mưa sao băng nhỏ chỉ khoảng 5-10 mưa sao băng mỗi giờ lúc cực đại. Nó được tạo thành từ bụi bị bỏ lại phía sau của sao chổi Tuttle, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1790. Mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 17 tháng 12 đến 25 tháng 12 và đạt đỉnh trong năm nay vào đêm 22, rạng sáng 23. Trăng lưỡi liềm sẽ lặn sớm vào buổi tối nên bạn không phải lo ảnh hưởng của ánh trăng. Hãy bắt đầu quan sát từ sau nửa đêm từ một vị trí tối xa ánh đèn thành phố và nhìn về hướng bắc. Sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Ursa Minor (Gấu nhỏ), nhưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
Seasky.org/
in-the-sky.org/