QUAN SÁT MƯA SAO BĂNG PERSEIDS 2017
Tháng 8 đã đến cùng với những vệt sáng xinh đẹp đến từ bầu trời được nhiều người mong đợi: Mưa sao băng Perseids. Năm nay, cực điểm Perseids sẽ diễn ra vào đêm 12, rạng sáng 13 tháng 8 với tần xuất cực đại thường đạt khoảng 80-100 vệt mỗi giờ.

Thông tin Mưa sao băng Perseids


Tên mưa sao băng : Perseids
Nguồn gốc : Sao chổi Swift-Tuttle
Thời gian hoạt động : 17 tháng 07 - 24 tháng 08 hàng năm
Cực đại : 12, 13 tháng 08
Tỉ lệ sao băng cực đại (ZHR) : 80-100 vệt/giờ
Vận tốc sao băng : 58 km/s
Điểm phát xạ (Radiant) : Chòm sao Perseus (Anh Tiên)




Sao băng Perseids bắt nguồn từ đâu?

Hàng năm, từ khoảng ngày 17 tháng 07 cho đến 24 tháng 08, hành tinh chúng ta đều đặn quét qua vùng quỹ đạo của sao chổi Swift-Tuttle, cội nguồn của những sao băng Perseids xinh đẹp. Các mảnh thiên thạch thường chỉ cỡ hạt cát còn sót lại trên đường đi của sao chổi lao vào bầu khí quyển Trái Đất ở tốc độ cực cao, khoảng 210 000 km/h, bốc cháy rực rỡ và tạo thành vệt sáng trên bầu trời được gọi dưới cái tên “sao băng”.

Hiện tượng trên xảy ra khi Trái Đất đi qua các “ bụi, mảnh vỡ” của sao chổi để lại, các “ bụi, mảnh vỡ” di chuyển với vận tốc siêu thanh vào bầu khí quyển chúng tạo nên những sóng xung kích, chúng va chạm với những hạt của bầu khí quyển, nén các hạt nhanh đến mức chúng không thể di chuyển ra khỏi đường đi của các “ bụi, mảnh vỡ” và dĩ nhiên các hạt phân tử của bầu khí quyển trở nên nóng hơn rất nhiều, cộng với nhiệt độ của sóng xung kích khi bị nén lên tới hàng ngàn độ tạo ra làm cho các thành phần vật chất của “hạt bụi, mảnh vỡ” của sao chổi bị đốt cháy trong bầu khí quyển thành những vệt dài như chúng ta nhìn thấy, nhưng các hạt bụi, mảnh vỡ của sao chổi là quá nhỏ để có thể đủ sức đáp xuống mặt đất như một thiên thạch, nó đã bị nuốt gọn ngay trên bầu khí quyển của chúng ta.


Mô phỏng quỹ đạo sao chổi Swift Tuttle trong Hệ Mặt Trời

Với đường kính nhân lên tới 26 km, Swift-Tuttle là vật thể lớn nhất thường xuyên đi ngang qua Trái Đất. Theo tính toán, sao chổi có chu kì 133 năm, lần gần đây nhất nó ghé qua Trái Đất là vào năm 1992 và lần kế tiếp sẽ vào năm 2126. Đã từng có tính toán rằng sao chổi sẽ đâm vào Trái Đất trong lần ghé thăm tiếp theo, nhưng nguy cơ này đã bị loại bỏ.

Trận mưa sao băng hàng đầu của năm

Perseids cùng với Geminids tháng 12 là hai trận mưa sao băng lớn nhất diễn ra đều đặn hàng năm. Thông thường, tỉ lệ sao băng Perseids nhìn thấy mỗi giờ đạt khoảng 80-100 vào lúc cực điểm. Đặc biệt, có những năm đã diễn ra sự “bùng nổ” sao băng Perseids, khi mà số lượng sao băng quan sát được tăng lên nhiều. Gần đây nhất là đợt bùng nổ mưa sao băng Perseids năm 2016, khiến tỉ lệ sao băng dự báo đạt khoảng 150-200 vệt mỗi giờ. Rất tiếc, điều đó dường như không xảy ra trong năm nay.


Một vệt sao băng Perseids năm 2012. Chụp bởi Mike Hankey.

[img][/img]

Mưa sao băng Perseids năm 2015. Chụp bởi Brad Goldpaint .
[/I


Năm 2017, theo Space.com, mưa sao băng sẽ đạt cực điểm quanh lúc 17:00 GMT, tức 00:00 giờ ngày 13/8, theo đó, đêm 12, rạng sáng 13 sẽ là thời điểm tốt nhất để quan sát mưa sao băng. Tuy nhiên, thật đang tiếc trăng khuyết cuối tháng mọc từ trước nửa đêm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến buổi quan sát. Tỉ lệ sao băng có thể sẽ giảm chỉ còn một nửa, đạt 40-50 vệt mỗi giờ bởi ánh trăng che mất nhiều vệt sao băng mờ. Dù vậy, Perseids vẫn lớn hơn phần lớn các mưa sao băng khác và có nhiều “cầu lửa” (fireball, một loại sao băng rất sáng), rất đáng để chờ đợi.
Đương nhiên, mưa sao băng Perseids không chỉ diễn ra vào đêm 12, 13/08, bạn có thể quan sát vào một hai đêm trước và sau đó, tuy tỉ lệ giảm nhưng vẫn xứng đáng.

Vị trí quan sát

Ngoài tỉ lệ và thời gian, vị trí các sao băng xuất hiện cũng là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Hầu hết các mưa sao băng đều có một điểm phát xạ (Radiant), nơi phần lớn các vệt sao băng có xu hướng phát ra từ đó. Cũng như vậy, điểm phát xạ của mưa sao băng Perseids nằm trong chòm sao Perseus (Anh Tiên), tuy nhiên việc xác định chính xác điểm phát xạ cũng như chòm sao là không thực sự cần thiết. Chòm sao này sẽ mọc vào lúc nửa đêm ở hướng Đông Bắc và dần leo lên cao.



Hướng dẫn quan sát

Để có một buổi quan sát hoàn hảo nhất, bạn hãy tìm một địa điểm quang đãng, an toàn, tốt nhất ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn và hãy sẵn sàng để có thể ở đó trong vài giờ. Hãy dành khoảng 20 phút để cho mắt bạn thích nghi với bóng tối trước khi có thể nhìn thấy tốt nhất, đồng thời trong thời gian ngắm sao tránh nhìn trực tiếp vào ánh đèn điện cũng như thiết bị di động. Bạn nên quan sát sau nửa đêm lúc đó các vệt sao sẽ trở lên nhiều hơn, chỉ cần nằm xuống và ngước mắt nhìn bao quan bầu trời rộng lớn là bạn có thể chiêm ngưỡng, chú ý phải thật tập trung vì các vệt sao qua rất nhanh chỉ chưa đến 1s mà thôi.

Ngược lại với quan niệm sai lầm, thực ra cặp mắt bạn chính là công cụ tuyệt vời nhất để quan sát sao băng chứ không phải kính viễn vọng, bạn sẽ không cần thiết bị hỗ trợ nào để quan sát mưa sao băng này, chỉ cần dùng mắt thường là có thể nhìn ngắm được chúng, tuy nhiên bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ cho việc quan sát qua đêm như chăn ấm, thuốc chống muỗi, nước uống...ngoài ra nếu có 1 chiếc kính thiên văn, hoặc ống nhòm để quan sát các vật thể khác cũng là điều rất tuyệt vời và nếu thấy thời tiết xấu hãy đi ngủ đừng cố làm gì. Sau cùng, hãy ngồi hoặc nằm thật thoải mái và chờ đợi màn trình diễn pháo hoa của vũ trụ.

Những thông tin cần chú ý
- Mưa sao băng không giống như một cơn "mưa" mà sẽ có từng vệt sao băng xẹt qua bầu trời, thực tế trong lịch sử cũng bắt gặp vài trận "mưa" sao băng đích thực nhưng không phải tại thời điểm này.
- Sẽ có đôi lúc bạn bắt gặp được một vệt sao băng khá lớn người ta thường gọi nó là fireball đừng hiểu nhầm là UFO nhé
- Quan trọng nhất trong quan sát là thời tiết tốt và một bầu trời trong lành chứ không nhất định phải căn đúng thời gian cực đại, bạn có thể quan sát nhiều vệt sao băng nhất tại thời điểm cực đại chứ không chỉ nhìn thấy mưa sao băng tại lúc cực đại cho nên bạn có thể quan sát từ ngay lúc này, miễn là thời tiết tốt.

Hôi thiên văn nghiệp dư Hà Nội sẽ tổ chức qua đêm để quan sát hiện tượng này các bạn hãy theo dõi Facebook của Hội nhé: https://www.facebook.com/thienvanhanoi/

Công Thắng - Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS)

Tham khảo Space.com và Earthsky.org