Những nhà thiên văn gốc Việt thành danh trên thế giới

Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, Trần Thanh Vân là hai trong số nhà khoa học gốc Việt có đóng góp giá trị trong lĩnh vực vật lý thiên văn, được quốc tế vinh danh.

Giáo sư Nguyễn Quang Riệu


Sinh năm 1932 tại Hải Phòng, ông Nguyễn Quang Riệu hiện ở Pháp. Mê thiên văn từ nhỏ, ông luôn ước mơ được khám phá bí ẩn của vũ trụ. Năm 18 tuổi sang Pháp du học và với nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã trở thành giáo sư, tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris. Ông còn là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS).

TS Nguyễn Quang Riệu là một trong số rất ít nhà khoa học gốc Việt trên thế giới không ngại dấn thân và đạt được những thành công trong ngành thiên văn học, một ngành khoa học vẫn còn non trẻ và ít có điều kiện phát triển tại Việt Nam. Ông đã công bố trên 150 công trình khoa học về vật lý thiên văn trên các tạp chí nổi tiếng.



Giáo sư Nguyễn Quang Riệu là nhà vật lý thiên văn Việt kiều định cư tại Pháp. Ảnh: HAAC.
Năm 1973, giáo sư Riệu nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp sau khi phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus X3). Luôn ủng hộ các bạn trẻ Việt Nam trong lĩnh vực thiên văn, ông từng mong sẽ có Cung khoa học để thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận những ngành khoa học hiện đại.

Giáo sư Trần Thanh Vân

Giáo sư Trần Thành Vân còn gọi là Jean Trần Thanh Vân, người Pháp gốc Việt. Năm 1953, khi 16 tuổi, ông rời quê hương Quảng Bình đến Pháp du học và trở thành bậc thầy trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử. Năm 2012, ông là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ.

Trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công của Gặp gỡ MoriondGặp gỡ Blois, năm 1993 giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ quê hương trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.



Giáo sư Trần Thanh Vân. .Ảnh: Icisequynhon.
Năm 2013, ước mơ ấp ủ 50 năm của ông đã thành hiện thực - Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) được khánh thành nhằm giúp đỡ sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế.

Kể từ năm 1993, sau 11 lần Gặp gỡ Việt Nam do giáo sư Trần Thanh Vân khởi xướng, chương trình đã thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng đến bàn luận về các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý hạt, thiên văn và nano.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận

Cũng như ông Nguyễn Quang Riệu, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đam mê thiên văn khi còn rất nhỏ. Sinh năm 1948 tại Hà Nội, sau đó ông theo gia đình vào TP HCM sinh sống. Năm 1966, ông sang Thụy Sỹ học ngành vật lý. Một năm sau, ông giành được học bổng lên thẳng năm thứ hai của ba trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ.

Ông học tại Viện Công nghệ California từ năm 1967 tới 1970, rồi học ở Đại học Princeton từ năm 1970 tới 1974, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton rồi giảng dạy vật lý thiên văn tại Đại học Virginia từ năm 1976 tới nay. Giáo sư Thuận còn làm việc cho Viện Vật lý thiên văn Paris và là một trong những người sáng lập Hiệp hội Khoa học và Tôn giáo quốc tế.



Giáo sư Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: HT.
Giáo sư Thuận cho ra mắt nhiều sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học với Phật giáo như Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998). Ông có hơn 120 công trình đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng.

Năm 2007, giáo sư Trịnh Xuân Thuận được giải thưởng Moron của Viện Hàn Lâm Pháp. Năm 2009, ông được UNESCO trao giải thưởng Kalinga vì các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học.

Năm 2011, giáo sư Thuận về Việt Nam, dành nhiều thời gian nói chuyện về khoa học tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn và TP HCM với các sinh viên.

Giáo sư Lưu Lệ Hằng

Sinh năm 1963 tại TP HCM, năm 1975 bà Lưu Lệ Hằng (Jane X. Luu) theo gia đình sang Mỹ định cư. Bà đã học tại nhiều trường nổi tiếng về vật lý như Đại học Stanford năm 1984; thạc sĩ ở Viện Berkeley thuộc Đại học California và năm 1990 nhận bằng tiến sĩ vật lý thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT.



Giáo sư Lưu Lệ Hằng. Ảnh: Leaf Liang/sciencemag.
Năm 1992, bà cùng thầy hướng dẫn khám phá ra vật thể đầu tiên trong vành đài Kuiper. Nhờ đó bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli - được xem là giải Novel trong lĩnh vực vật lý thiên văn vào năm 2012 của Na Uy. Cũng trong 2012, tại Hong Kong, Quỹ Shaw đã xướng danh người đạt giải Shaw Thiên văn học 2012 là giáo sư Lưu Lệ Hằng về những đóng góp của bà trong việc định danh "các vật thể ngoài Hải Vương tinh".

Để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, Hiệp hội thiên văn Mỹ đã đặt tên bà cho tiểu hành tinh 5430 Luu.

Năm 2015, bà có chuyến về Việt Nam trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền

Sinh ra tại Đà Nẵng năm 1963, từ nhỏ Nguyễn Trọng Hiền rất mê môn vật lý. Hiện ông là giám sát viên nhóm thiết bị thiên văn, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Phân ban vật lý thiên văn, phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của Cơ quan hàng không vũ trụ (NASA).

Năm 1981, ông cùng gia đình sang Mỹ và tốt nghiệp khoa vật lý Đại học Berkeley. Tiếp đó, ông bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Princeton với chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ và làm việc ở NASA.



Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền. Ảnh: Báo Bình Định.
Tháng 9/1994, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền cắm quốc kỳ Việt Nam ở Nam Cực, bên cạnh lá cờ của Mỹ, Anh, Đức... Năm 2010, ông được mời về Việt Nam giảng dạy tại Đại học Sư phạm Huế, sau đó tham gia Gặp gỡ Việt Nam năm 2013, gây ấn tượng với nhiều sinh viên.

Phạm Hương tổng hợp
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-ho...i-3531473.html