Việc phát hiện ra nước trong bầu khí quyển của một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta bằng một kĩ thuật mới có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu có bao nhiêu hành tinh có nước như Trái Đất tồn tại trong vũ trụ. Đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu bao gồm nhiều nhà thiên văn học thuộc trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) và nhiều cơ quan khác. Họ đã phát hiện ra nước trên một hành tinh có khối lượng cỡ sao Mộc trên quỹ đạo quay quanh ngôi sao Tau Boötis. Phát hiện này được đăng tải trên một bài báo khoa học trực tuyến vào ngày 24 tháng 2 năm 2014 của The Astrophysical Journal Letters.

Chad Bender, một cộng sự nghiên cứu của khoa thiên văn học và vật lý thiên văn của trường Đại học Penn, nói: "Tau Boötis b có khối lượng tương đương sao Mộc nhưng nóng hơn nhiều. Việc phát hiện nước trong khí quyển Tau Boötis là rất quan trọng vì nó giúp chúng ta hiểu làm thế nào những ngoại hành tinh "sao Mộc nóng" hình thành và phát triển. Nó cũng chứng minh tính hiệu quả của kĩ thuật mới của chúng tôi, đó là đo những bức xạ hồng ngoại trong khí quyển của hành tinh này".
Các nhà khoa học trước đó đã phát hiện hơi nước xuất hiện ở một số ít các hành tinh khác, một kĩ thuật mà chỉ phát hiện được khi hành tinh chuyển động qua trước mặt ngôi sao của nó, khi nhìn từ Trái Đất. Kĩ thuật này cũng có thể được sử dụng khi hành tinh là đủ xa với ngôi sao chủ. Tuy nhiên phần lớn số hành tinh được tìm kiếm ngoài Hệ Mặt Trời lại không phù hợp với những yêu cầu này. "Chúng tôi đang áp dụng kĩ thuật hồng ngoại mới có hiệu quả hơn mà không bắt buộc hành tinh đó phải quá cảnh qua mặt trời của nó." - Bender nói. Với kĩ thuật phát hiện mới và kính thiên văn mạnh hơn trong tương lai như James Webb Space Telescope và Thirty Meter Telescope, các nhà thiên văn hy vọng có thể nghiên cứu khí quyển của các hành tinh lạnh hơn và xa hơn ngôi sao chủ, nơi nước ở dạng lỏng có nhiều khả năng tồn tại hơn. Bender đang dẫn đầu một dự án lớn tìm hiểu kĩ hơn về bầu khí quyển của các hành tinh "sao Mộc nóng" ngoài Hệ Mặt Trời. Việc phát hiện ra Tau Boötis là một phần trong dự án lớn này.

Nguồn: http://www.astrobio.net/pressrelease...r-solar-system