TOP 10 SỰ KIỆN CHINH PHỤC KHÔNG GIAN SẼ DIỄN RA TRONG NĂM 2017

1. Triển khai thiết bị nghiên cứu sao neutron NICER (Tháng 2)

“Thiết bị khám phá thành phần bên trong sao neutron” (NICER) là một công cụ hiệu quả trong việc tìm hiểu sao neutron, tàn dư còn lại sau các vụ nổ sao. Bao gồm 57 kính viễn vọng tia X nhỏ tạo thành một bó, NICER sẽ được khoang tàu Dragon của SpaceX đưa lên không gian và sau đó lắp đặt phía ngoài trạm ISS trong năm 2017. Các kính viễn vọng sẽ thu thập tia X bắt nguồn từ từ trường đậm dặc của sao neutron, từ đó cho phép các nhà khoa học nghiên cứu loại thiên thể kì lạ này. NICER cũng hy vọng chứng minh các sao neutron quay nhanh, có tên pulsar, có thể được sử dụng để định hướng trong vũ trụ. Bằng cách đo thời gian giữa các lần bùng phát tia X, pulsar sẽ có thể cho biết vị trí của nó trong không gian.



2. Dọn dẹp rác vũ trụ (Đầu năm 2017)

Có hàng triệu mảnh rác vũ trụ đang trôi nổi trên quỹ đạo Trái Đất, hầu hết đều có kích thước rất nhỏ. Trong năm 2017, chúng ta sẽ chứng kiến một nỗ lực đầu tiên nhằm giúp dọn một số rác vũ trụ. Sứ mệnh Remove Debris đứng đầu bởi Trung tâm Vũ trụ Surrey của Anh Quốc sẽ dùng một vệ tinh nhỏ để triển khai một chiếc lưới trong không gian nhằm thu gom rác vũ trụ, quẳng chúng xuống bầu khí quyển để đốt cháy toàn bộ. Nếu thành công, các kĩ thuật tương tự có thể được sử dụng để dọn rác vũ trụ trên quỹ đạo nhằm đảm bảo an toàn cho các con tàu vũ trụ trong tương lai.



3. Kết thúc sứ mệnh Cassini huyền thoại (15/09)

Trong năm nay chúng ta sẽ phải nói lời từ biệt với một trong những sứ mệnh không gian thành công nhất trong lịch sử: Cassini. Tàu thăm dò Cassini của NASA được phóng năm 1997 để tới Thổ Tinh. Sau khi đến Thổ Tinh vào năm 2004, nó đã thả thành công thiết bị đổ bộ Huyghens của ESA xuống vệ tinh Titan năm 2005. Nhờ Cassini, các nhà khoa học đã có một cái nhìn sâu rộng hơn về Thổ Tinh và các vệ tinh Titan, Mimas và Enceladus của nó. Nhưng cuối cùng khi nhiên liệu cạn kiệt, số phận của Cassini đã được định đoạt là lao vào bầu khí quyển Thổ Tinh, tuy nhiên trên hành trình cuối cùng của cuộc đời, nó vẫn tiếp tục gửi về cho chúng ta những dữ liệu quý giá.



4. Đưa đài quan sát Spektr-RG lên không gian (25/09)

Đài quan sát không gian Spektr-RG đang được phát triển bởi Viện nghiên cứu vũ trụ Nga (IKI) và sẽ thực hiện nhiều nghiên cứu vật lý trên không gian. Nguyên mẫu đầu tiên xuất hiện từ năm 1987 và nhiều cải tiến được thực hiện để Spektr mang theo 5 kính thiên văn bên trong, từ đó giúp đài quan sát nghiên cứu trong một dải rộng lớn từ tia cực kím cho đến tia X. Sau khi được đặt tại một điểm cố định trong vũ trụ (điểm Lagrange L2), nó sẽ bắt đầu nghiên cứu các lỗ đen,thiên hà, và từ trường liên sao.



5. NASA phóng vệ tinh TESS (Tháng 12)

Vào tháng 12, Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh đi ngang qua sao (Transiting Exoplanet Survey Satellite - TESS) của NASA sẽ được đưa lên vũ trụ. Loại kính không gian đặc biệt này sẽ nghiên cứu các ngoại hành tinh có vẻ giống Trái Đất. Cho tới thời điểm hiện tại hầy hết các ngoại hành tinh được phát hiên bởi kính Kepler của NASA. Cả TESS và Kepler sẽ sử dụng cùng một phương pháp để tìm hành tinh bằng cách quan sát sự dao động của ánh sáng phát ra từ sao chủ khi có một hành tinh đi ngang qua phía trước nó. Nhưng trong khi Kepler chỉ nghiên cứu được một phần nhỏ của bầu trời thì TESS sẽ thực hiện khảo sát toàn bộ cả bầu trời.



6. ESA phóng vệ tinh CHEOPS (Tháng 12)

Cuối năm 2017, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) hy vọng có thể đưa Vệ tinh CHEOPS (Characterising Exoplanets Satellite) lên vũ trụ. Trong khi các vệ tinh tương tự như TESS hay Kepler đảm nhận nhiệm vụ tìm thêm ngoại hành tinh mới thì CHEOPS lại nghiên cứu sâu hơn về các sao đã biết có ngoại hành tinh. CHEOPS sử dụng phương pháp “transit” để nghiên cứu các ngoại hành tinh cỡ vài lần kích thước Trái Đất cho đến cỡ Hải Vương Tinh. Sử dụng CHEOPS cũng như dữ liệu đã có, các nhà khoa học của ESA có thể tính toán được khối lượng và bán kính của các thế giới xa xôi kia. Dữ liệu này cũng giúp họ xác định xem ngoại hành tinh đó thuộc loại hành tinh “khí” hay “đá”.



7. Công ty Virgin Galatic bắt đầu thực hiện các chuyến bay vũ trụ (Cuối năm 2017)

Vào một thời điểm nào đó cuối năm 2017, Virgin Galatic đang lên kế hoạch bắt đầu các chuyến bay bằng phương tiện không người lái do hãng phát triển có tên LauncherOne. Loại tên lửa này sẽ phóng từ một may bay Boeing 747 được thiết kế đặc biệt có tên Cosmic Girl (Cô gái vũ trụ). Máy bay sẽ mang LauncherOne lên một độ cao nhất định (10 700 m) sau đó tên lửa sẽ tiếp tục đưa tàu vũ trụ vào không gian.
Tên lửa hai tầng có 2 động cơ, được gọi là NewtonThree và NewtonFour, sẽ vận chuyện hàng hóa như vệ tinh và thiết bị khoa học lên quỹ đạo. Tên lửa sau đó bị thải loại an toàn nhưng máy bay vẫn được tái sử dụng lại nhiều lần.
Những dự định này là một điềm báo trước cho ngành du lịch vũ trụ trong tương lai. Virgin Galactic cũng đang lên kế hoạch để thực hiện các chuyến bay có người lái trên máy bay SpaceShipTwo VSS Unity ở một thời điểm nào đó trong tương lai.



8. Trung Quốc thu thập mẫu đất đá trên Mặt Trăng (Chưa rõ thời điểm)

Trong năm 2017 Trung Quốc sẽ tiến xa trong việc hiện thực hóa mong muốn trở thành một cường quốc không gian bằng việc mang mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất. Họ hy vọng Sứ mệnh không người lái Chang’e 5 này sẽ kế tục sự thành công của tàu đổ bộ Chang’e 3 và robot tự hành (rover) Yutu đã hạ cánh vào năm 2013 và mang về ít nhất 2 kg mẫu vật.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên mẫu đất đá Mặt Trăng được mang trở về Trái Đất kể từ sau sứ mệnh Luna 24 của Liên Xô năm 1976. Tàu đổ bộ sẽ thu thập mẫu vật ở độ sâu lên tới 2 m bên dưới bề mặt sử dụng mũi khoan. Một phần tàu đổ bộ sau đó sẽ rời khỏi Mặt Trăng, lên kết nối với một module trên quỹ đạo Mặt Trăng và sau đó quay trở lại Trái Đất.



9. NASA thử nghiệm chất nổ đẩy mới (Chưa rõ thời điểm)

Trong năm 2017, NASA dự định triển khai một con tàu thí nghiệm có tên Green Propellant Infusion Mission (GPIM). Nó sẽ thử nghiệm một loại nhiên liệu mới cho các tàu vũ trụ trong tương lai, an toàn hơn, hiệu quả hơn loại chất nổ đẩy hiện hành. GPIM sẽ sử dụng nhiên liệu hydroxyl ammonium nitrate/hỗn hợp osidiser được biết đến với tên AF-M315E. Loại nhiên liệu này ít độc hại hơn các loại hiện đang được sử dụng như hydrazine, đồng thời cũng hiệu suất cao hơn và dễ dàng lưu trữ hơn. Sứ mệnh này được lên kế hoạch phóng bằng tên lửa Falcon Heavy của SpaceX nhưng hiện loại tên lửa này đang bị trì hoãn



10. Phóng thử tên lửa Falcon Heavy lần đầu tiên (Chưa rõ thời điểm)

Nếu thành công, tên lửa Falcon Heavy của SpaceX sẽ trở thành loại tên lửa mạnh mẽ nhất trên thế giới. Hiện nay uy lực loại tên lửa mạnh nhất vẫn đang thuộc về Delta IV Heavy, có thể mang 23 000 kg lên quỹ đạo Trái Đất, nhưng Falcol Heavy có thể mang được gấp đôi, 54 400 kg.
Nhưng sớm hay muốn trong tương lai Falcol Heavy cũng sẽ chỉ trở thành loại tên lửa mạnh thứ 2 nếu như tên lửa Space Launch System (SLS) của NASA thành công trong những năm kế tiếp, và có lẽ cả Interplanetary Transport System của NASA trong thập kỉ sau. Bởi sự cố một tên lửa Falcol 9 phát nổ trong tháng 9/2016 nên lần phóng đầu tiên của Falcol Heavy đã bị hoãn lại, nhưng tập đoàn Space X vẫn hy vọng có thể triển khai phóng thử ngay trong năm 2017.



Dịch từ tạp chí All about space