Discovery, tàu vũ trụ có tuổi đời già nhất của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), đã sẵn sàng cho sứ mệnh bay vào không gian cuối cùng sau hai lần tạm hoãn do những trục trặc ở bộ phận điều áp.





Báo Telegraph đưa tin, theo kế hoạch ban đầu, tàu vũ trụ Discovery đáng lẽ được phóng lên không gian vào ngày hôm nay (1/11). Tuy nhiên, do những trục trặc ở hệ thống điều áp nên kế hoạch này đã bị tạm hoãn để các nhân viên kỹ thuật của NASA khắc phục sự cố này. Hiện tại, mọi công việc sửa chữa đã hoàn thành và tàu vũ trụ Discovery đang chờ thời khắc lịch sử của mình.
"Các công việc vẫn diễn ra như dự kiến. Chúng tôi đã hoàn thành việc sửa chữa hệ thống điều áp của tàu vũ trụ Discovery và tất cả đều đã sẵn sàng cho sứ mệnh cuối cùng”, Steve Payne, giám đốc kiểm tra kỹ thuật của NASA, cho biết.
Tàu vũ trụ Discovery chở 6 phi hành gia người Mỹ được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida vào 15h52 (theo giờ địa phương), ngày 3/11 tới. Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn của bang Florida, thời tiết tại thời điểm phóng tàu vũ trụ Discovery khá lý tưởng, 70% khả năng trời quang mây và không có mưa.
Được biết, Discovery là tàu vũ trụ được NASA sử dụng nhiều nhất cho các sứ mệnh bay vào không gian và đưa người và thiết bị lên trạm ISS. Discovery đã thực hiện 38 sứ mệnh từ năm 1984 với 5.628 vòng quanh Trái đất, tương đương quãng đường bay khoảng 228 triệu km, trong hơn 351 ngày.


Sau chuyến bay của tàu Discovery, NASA sẽ khép lại chương trình tàu con thoi lịch sử của mình bằng sứ mệnh cuối cùng của tàu Endeavour, dự kiến sẽ được phóng vào ngày 26.2.2011.

Trước đó, chuyến bay tàu con thoi cuối cùng của NASA theo kế hoạch được thực hiện trong tháng 9 này nhằm hoàn tất việc xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế trị giá 100 tỉ USD. Tuy nhiên sau đó NASA đã phải hoãn đến tháng 2 sang năm.

Trong năm nay, NASA cũng đã thực hiện ba lần phóng tàu con thoi gồm sứ mệnh STS-130 của tàu Endeavour từ ngày 8-21.2 lắp đặt bộ phận quan trọng cuối cùng cho ISS có tên Tranquility Node 3; sứ mệnh STS-131 của tàu Discovery từ ngày 5-20.4 đến bổ sung hàng hóa và bảo trì trạm.


Và sứ mệnh cuối cùng của tàu Atlantis mang số hiệu STS-132 từ ngày 14-26.5 đến lắp ráp cho ISS một mô-đun nghiên cứu mini do Nga chế tạo mang tên MRM-1 (còn gọi là Rassvet) có chức năng là cổng kết nối cho các tàu vũ trụ của Nga là tàu Soyuz và tàu vận tải Progress.


Tổng Hợp