Hành tinh, có tên Kepler-10b, là hành tinh nhỏ nhất từng được con người tìm thấy ngoài Thái Dương Hệ. Phi thuyền Kepler của Mỹ phát hiện hành tinh này. Nó có kích thước gấp khoảng 1,4 lần địa cầu và nặng gấp 4,6 lần. Hành tinh xoay một vòng quanh ngôi sao riêng trong 0,84 ngày. Khoảng cách giữa nó với ngôi sao riêng chỉ bằng 1/23 lần khoảng cách giữa mặt trời và sao Thủy - hành tinh gần mặt trời nhất trong Thái Dương Hệ.

Với tốc độ xoay nhanh và khoảng cách quá gần ngôi sao, Kepler-10b không thể duy trì sự sống, AFP cho hay.




“Kepler-10b không nằm trong nhóm những hành tinh mà sự sống có thể tồn tại. Nhiệt độ của nó vào ban ngày có thể lên tới hơn 1.371 độ C, đủ nóng để khiến sắt tan chảy. Các hợp chất chứa carbon, ADN, ARN không thể tồn tại ở một nơi nóng như thế”, Natalie Batalha, một nhà khoa học của NASA, phát biểu.

Douglas Hudgins, một nhà khoa học của NASA, cho rằng việc phát hiện Kepler-10b là sự kiện đáng hứa hẹn dù không có sự sống trên đó.

“Việc phát hiện Kepler-10b là bước tiến quan trọng trong quá trình tìm kiếm hành tinh giống địa cầu. Mặc dù nó không chứa sự sống, song sự tồn tại của nó cho thấy sẽ có nhiều hành tinh giống trái đất sẽ được khám phá trong tương lai”, Hudgins nhận xét.
nguồn : vnexpress.net