http://www.tinhte.vn/threads/1538299/
Có một quầng khí ion hóa vừa nặng vừa nóng bao quanh dải Ngân Hà của chúng ta, đó là kết luận được đưa ra bởi một nghiên cứu gần đây dựa trên dữ liệu từ Đài Quan Sát X-Ray Chandra thuộc NASA. Có khối lượng gấp khoảng 10 tỉ lần khối lượng mặt trời, quầng khí này tương đương với tổng toàn bộ khối lượng các hạt baryon trong phần đĩa của dải Ngân Hà. Với phát hiện này, các nhà nghiên cứu hi vọng đây có thể là lời giải thích cho bí ấn “baryon biến mất” đã tồn tại khá lâu và cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Giới thiệu về bí ẩn “baryon biến mất”, nhà khoa học H. C. Ferguson tại James Webb Telescope cho biết nếu mô hình Big Bang là đúng thì vật chất baryon chiếm khoảng từ 1% đến 10% vật chất cần thiết để ngăn cản dần sự giãn nở của vũ trụ. Các loại vật chất khác, ví dụ như neutrino, hay các hạt nặng tương tác yếu (weakly interacting massive particles - WIMPS) có thể chiếm số phần trăm còn lại (ứng viên cho vật chất tối). Với vật chất tối, loài người vẫn đang tìm kiếm xem chúng thực chất là cái gì, tuy nhiên, ngay cả với phần baryon chiếm tỉ lệ nhỏ kia thì các ước tính tốt nhất hiện nay về lượng vật chất trong các ngôi sao, các đám bụi và khí trong các thiên hà cùng gộp lại cũng chỉ chiếm có 40% khối lượng dự đoán bởi lý thuyết Big Bang mà thôi. Vậy 60% baryon còn lại ở đâu? Đó chính là bí ẩn “baryon biến mất” đã được đề cập trên.

Sử dụng đài quan sát X-Ray Chandra, nhà khoa học Anjali Gupta và nhóm nghiên cứu của mình đã khảo sát các tia X từ những nguồn cách xa hàng trăm triệu năm ánh sáng. Bằng cách xem xét cách thức các tia X này bị hấp thụ bởi môi trường xung quanh dải Ngân Hà (circumgalactic medium - CGM), nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng vùng CGM lớn hơn nhiều so với những gì đã được ước lượng trước đó, với bán kính lên đến trên 300.000 năm ánh sáng. Không những thế, nhiệt độ của vùng CGM này cũng rất cao, từ 1 triệu cho đến 2,5 triệu Kelvin, tức gấp hàng trăm lần nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời trong Thái Dương Hệ. Tuy nhiên, do mật độ của chúng nhìn chung quá thấp (loãng) cho nên chúng ta không thể phát hiện ra chúng nếu tìm kiếm vùng CGM ở xung quanh các thiên hà khác. Đó là lý do tại sao các quan sát trước đó đã không đưa chúng vào tính toán khối lượng baryon tổng cộng trong vũ trụ.

Ở trong tấm hình đầu trang, các bạn có thể thấy hình ảnh minh họa vẽ lại thiên hà Ngân Hà của chúng ta được bao quanh bởi khối khí nặng và nóng này. Về nội dung cụ thể nghiên cứu các bạn có thể tìm đọc trên tạp chí chuyên ngành thiên văn The Astrophysical Journal, toàn văn (pdf) có thể tải về tại đây.

Nguồn: IO9