Các anten của kính thiên văn vô tuyến lớn và nhanh nhất thế giới hiện nay ASKAP
Vũ trụ luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ với loài người và một trong những ước vọng của chúng ta là nhìn sâu hơn, xa hơn vào vùng không gian sâu thẳm kia. Mới đây, các nhà khoa học đã hiện thực hóa thêm một phần giấc mơ đó với việc đưa vào hoạt động chiếc kính thiên văn vô tuyến lớn nhất và có tốc độ xử lý dữ liệu thu được nhanh nhất thế giới mang tên Australia Square Kilometre Array Pathfinder (ASKAP). Với sự kiện này, các nhà khoa học hy vọng họ sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về nguồn gốc các thiên hà, khảo sát vũ trụ, hay truy tìm dấu vết của các hố đen.

Có chi phí lên đến 155 triệu USD, ASKAP là một dãy gồm 36 anten với kích thước ngang mỗi cái lên đến trên 12m. Đây có thể được coi là một hệ thống khổng lồ thực hiện vai trò của một chiếc kính thiên văn quan sát và thu thập các bức xạ trong dải tần số sóng vô tuyến thay vì sóng ánh sáng nhìn thấy như trong kính thiên văn thông thường. Đặt ở Shire of Murchison, một vùng xa xôi hẻo lánh rộng đến 50.000 km vuông nằm ở phía Tây nước Úc, ASKAP cũng có một vị trí lý tưởng để quan sát vũ trụ do Shire of Murchison là vùng gần như không có sóng vô tuyến sản sinh từ các thiết bị nhân tạo. Được biết, ASKAP chỉ vừa mới được khởi công vào năm 2009 và hoàn thành gần đây với số người làm việc ở trạm thiên văn này chỉ có 120 người mà thôi.

Được trang bị các "camera vô tuyến" mới mang tên "phased array feeds", ASKAP có khả năng rà quét bầu trời nhanh hơn rất nhiều so với các kính thiên văn vô tuyến hiện tại với trường cảm thụ gấp 150 lần diện tích Mặt Trăng vào thời điểm trăng tròn. Theo các nhà khoa học, vào ngày đầu tiên hoạt động hết công suất, lượng dữ liệu mà ASKAP thu thập sẽ nhiều hơn toàn bộ các dữ liệu thiên văn vô tuyến hiện tại trên thế giới cộng lại. Qua đó có thể thấy được vai trò của nó đối với các nghiên cứu tương lai quan trọng đến như thế nào.

Để thấy rõ hơn năng lực tuyệt vời của ASKAP, hãy lấy một trường hợp cụ thể làm ví dụ. Trước kia, để có ảnh hoàn chỉnh của thiên hà gần nhất với Trái Đất Centaurus A với một lỗ đen ở giữa cần phải chụp 400 ảnh riêng lẻ, 2 năm quan sát, và 10.000 giờ tính toán thì nay chỉ cần chụp 2 tấm ảnh trong thời gian 5 phút cho cả việc quan sát lẫn tính toán. Bạn có tin được không? Có thể nói ASKAP là một bước đại nhảy vọt so với những chiếc kính thiên văn vô tuyến trước kia.

Với năng lực như vậy, có thể đoán trước được sức hút khó cưỡng của nó đối với các nhà thiên văn học trong lĩnh vực này. Thực vậy, dù mới được đưa vào hoạt động thôi nhưng được biết hiện tại lịch làm việc cho 5 năm tới đã kín chỗ bởi các nhà khoa học trên khắp thế giới đặt trước cho các nghiên cứu của mình. Theo Telegraph, một trong những lĩnh vực đầu tiên được ưu tiên tìm hiểu sẽ là khảo sát số lượng tổng cộng các thiên hà trong khoảng cách 2 tỉ năm ánh sáng trở lại đây mà thông tin có được từ đó có thể hé lộ về quá trình hình thành của thiên hà Ngân Hà chúng ta. Ngoài ra, còn có một dự án nghiên cứu khác nhằm tìm kiếm các hố đen mà các nhà khoa học cho rằng có thể là mầm mống khởi đầu của các thiên hà.

Được biết ASKAP cũng là bộ phận đầu tiên nằm trong hệ kính thiên văn lớn nhất thế giới mang tên Square Kilometre Array (SKA) sẽ được khởi công vào năm 2016 ở Úc và Nam Phi. Theo tin tức có được thì vào năm đó Úc sẽ bổ sung thêm 60 anten nữa vào hệ thống hiện tại như là một phần của dự án SKA. Cùng với sự phát triển của công nghệ máy tính dùng để xử lý dữ liệu, vào lúc đó, thật khó để hình dung năng lực của ASKAP đã đạt đến mức nào.

Hy vọng, với những chiếc kính thiên văn lớn như thế này, loài người chúng ta sẽ ngày càng hiểu rõ về những bí ẩn của vũ trụ xa thẳm hơn nữa. Gần gũi hơn, người viết hy vọng anh em Tinh tế chúng ta sẽ có nhiều cái "ồ" "à" về lĩnh vực này trong những năm tới đây nhờ những nghiên cứu có được từ chiếc kính này.

và sau đây là video giới thiệu về kính thiên văn vô tuyến ASKAP:


<object type="application/x-shockwave-flash" width="640" height="385" data="http://www.youtube.com/v/eTdRZfghQQM">
<param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/eTdRZfghQQM">
<param name="wmode" value="transparent">
</object>

Nguồn: Reuters, Telegraph

View more random threads: