http://www.tinhte.vn/threads/1561731/

Sơ đồ hệ thống SLS
NASA vẫn luôn là tổ chức đi đầu trong những nghiên cứu về không gian kể từ khi nó ra đời. Và để tiếp tục các kế hoạch chinh phục khoảng không ngoài Trái Đất có quy mô lớn hơn trong thời gian tới, Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ đang phát triển loại tên lửa đẩy nhiên liệu rắn thế hệ mới nhằm đưa các thiết bị có trọng tải lên tới 70 tấn vào các quỹ đạo xa hơn Mặt Trăng. Được biết đây là một phần trong kế hoạch đưa Hệ thống đẩy không gian (SLS-Space Launch System) của NASA vào hoạt động từ năm 2017. Đồng thời nó cũng là một dự án tham vọng với mục đích thay thế các tên lửa đẩy Saturn 5 huyền thoại bằng các động cơ mạnh nhất mà con người có thể chế tạo ở thời điểm hiện tại. Những công nghệ mới được áp dụng cũng được cho là sẽ giúp các thiết bị mới an toàn và tiêu tốn ít chi phí hơn. Được biết, quá trình lắp ráp tên lửa này sẽ do nhà thầu ATK đảm nhiệm.


Phác thảo mô hình tàu Orion
Khi SLS chính thức đi vào hoạt động vào năm 2017, các tên lửa mới ra lò sẽ tạo ra sức mạnh hiệu quả hơn 10% so với phản lực mà các tên lửa Saturn V sinh ra. Theo tính toán của NASA, họ có thể sử dụng các tên lửa mới để phóng các phi thuyền không gian lớp Orion tới các quỹ đạo nằm ngoài đường đi Mặt Trăng mà không phải gặp phải nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, SLC với hai tên lửa đẩy nhiên liệu rắn mới cũng có thể dùng để nâng cấp các động cơ RS-25 của tàu con thoi mà NASA đang sở hữu.

Theo thiết kế, các tên lửa mới có có kích thước lớn hơn, nhưng bù lại nó được tăng cường sức mạnh với 5 tầng nhiên liệu, so với tên lửa đẩy 4 tầng cũ. Mỗi tầng tên lửa sẽ được lấp đầy bởi các nhiên liệu rắn bao gồm ammonium perchlorate (một chất có tính oxi hóa rất mạnh), bột nhôm, oxit sắt, một loại vật liệu polyme đặc biệt, và tác nhân oxy dạng vòng[SIZE=16px].[/SIZE] Nhờ cấu tạo như vậy lực đẩy mà tên lửa SLS tạo ra có thể lên tới 16.000 kilo Newton (kN), so với lực đẩy 12.000 kN trên các mẫu tiền nhiệm.

Để chuẩn bị cho các tên lửa hoạt động thực tế, nhà thầu ATK hiện đang lắp ráp các động cơ tên lửa thử nghiệm Qualificaiton Motor 1. Chúng sẽ được thử trên mặt đất để kiểm tra thiết kế và cấu trúc của tên lửa thế hệ mới. Dự kiến, việc này sẽ được tiến hành vào đầu năm 2013. Theo ATK, với những cải tiến mới, họ đã cắt giảm được 46% chi phí trong quá trình sản xuất nhờ tái cấu trúc hệ thống lắp ráp và thay thế công nghệ dò tìm lỗi kỹ thuật ở đuôi tên lửa sử dụng tia X trước đây bằng các chùm sóng siêu âm.


Xe kéo đang vận chuyển một bộ phận của tên lửa thử nghiệm
Nhờ đó, người ta có thể kiểm tra tên lửa ngay tại nơi lắp ráp thay vì phải chuyển nó sang một khu vực khác có những thiết bị chuyên dụng. Nhà sản xuất cũng cho biết, các công đoạn giám sát quá trình lắp ráp không chỉ được tiến hành cẩn thận hơn với những cải tiến mới, mà nó còn cho phép giảm số lần di chuyển tên lửa trong công xưởng tới mức tối đa. Cụ thể, trước đây người ta phải di chuyển tên lửa 47 lần giữa các khu vực khác nhau, thì nay con số đó chỉ còn 7. Do đó, rủi ro hỏng hóc trong quá trình vận chuyển cũng được giảm thiểu ở mức tốt nhất.

Nguồn: Gizmag, Wikipedia