Lần đầu tiên trong lịch sử, đài quan sát thiên văn Chandra X-ray của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chụp được hình một thiên hà nhỏ đâm vào một thiên hà lớn ở vị trí cách Trái đất 60 triệu năm ánh sáng.

Theo trang CNET, đài Chandra X-ray phát hiện hai thiên hà này đâm vào nhau, tạo ra một sóng xung kích khổng lồ và xả ra một đám mây khí nóng tới 6 triệu độ.

Bức ảnh cho thấy hai thiên hà va chạm nhau, tạo ra một đám mây khí tím - (Ảnh: NASA.gov)

Một bức ảnh được tái tạo bằng tia X và ánh sáng quang học cho thấy đám mây khí màu tím tuyệt đẹp. Quan sát của kính viễn vọng thuộc Đài quan sát Nam Âu cho thấy hai thiên hà có màu xanh và trắng.

Đó là cảnh thiên hà hình xoắn ốc NGC 1232 đâm vào một thiên hà nhỏ hơn. Do cách hệ mặt trời của chúng ta tới 60 triệu năm ánh sáng, sóng xung kích khổng lồ từ vụ va chạm không ảnh hưởng gì tới Trái đất.

NASA cho biết quá trình va chạm sẽ kéo dài thêm 50 triệu năm nữa và tiếp tục phát sáng trong hàng trăm triệu năm. Các bức ảnh hai chiều không cho biết đám mây khí tím tập trung dày đặc vào một khu vực hay trải mỏng. Các chuyên gia NASA xác định kể cả khi trải mỏng thì đám mây khí này cũng có khối lượng tương đương 40.000 mặt trời.

Các chuyên gia NASA cho biết việc quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú này sẽ giúp họ hiểu rõ thêm về quá trình các thiên hà phát triển thông qua các vụ va chạm tương tự. Trước đây NASA từng cho rằng các thiên hà khó có thể va chạm vào nhau.