Khác với các hiện tượng thiên văn khác như Nhật thực, Nguyệt thực hay sao chổi - Mưa sao băng là một hiện tượng xảy ra với tần suất khá nhiều và dễ gây hứng thú cho những người chưa từng được quan sát. Nhưng không giống với Nhật thực và Nguyệt thực, Mưa Sao băng đòi hỏi thiết bị và tay nghề khá cao để có thể chụp lại được, đôi khi đó còn là sự may mắn nữa, chính vì vậy mặc dù xuất hiện nhiều lần trong năm nhưng những hình ảnh đẹp về Mưa Sao băng xuất hiện ít hơn hẳn những hiện tượng Nhật thực , Nguyệt thực vốn hiếm gặp hơn. Trong bài viết này mình sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức, những mẹo vặt cơ bản để các bạn có thể chụp lại được hiện tượng khó ăn này.

I. Hiểu về bản chất xuất hiện của sao băng và mưa sao băng:

Sao băng hiểu đơn giản nhất nó là những vật thể ngoài Trái Đất rơi vào bầu khí quyển, bị đốt cháy hoàn toàn bởi lớp khí nén bao quanh có nhiệt độ và áp suất cao do chính nó trong quá trình rơi tạo ra. Khác với thiên thạch, sao băng cháy hết hoàn toàn ở tầng trung lưu mà không còn sót mảnh vỡ nào để rơi xuống đất. Đối tượng chính gây ra sao băng thường là những mảnh vụn rơi ra từ những sao chổi, các mảnh thiên thạch nhỏ trôi nổi trong không gian hay những vật thể tương tự. Khi một sao chổi có quỹ đạo cắt ngang qua quỹ đạo của Trái Đất thì mỗi năm tại vị trí đó, Trái Đất sẽ quét qua đám bụi do sao chổi để lại và nó tạo ra mưa sao băng.

II. Thời điểm và hướng quan sát sao băng.

Để có cơ hội tiếp cận được nhiều sao băng nhất, bất kể bạn đang sống ở nơi nào trên Trái Đất, hãy đợi sau nửa đêm những ngày cực đại, giữ mắt bao quát bầu trời nhưng hướng về phía chòm sao tâm điểm. Bởi vì sao? Sao băng rơi xuống nhiều nhất khi Trái Đất đi qua trung tâm đám bụi sao chổi, và khi nó rơi xuống cũng không theo một hướng cụ thể nào cả. Thời gian sau 12h đêm tại nơi bạn đang đứng là thời gian mà đám bụi sao chổi tiếp xúc nhiều nhất và nhanh hơn với khí quyển Trái Đất. Do đó có hội chiêm ngưỡng số lượng và chất lượng sao băng tại thời điểm này là tốt nhất.

III. Yêu cầu thiết bị chụp ảnh sao băng.

Chụp ảnh sao băng là một trò chơi may rủi. Gọi là mưa sao băng nhưng ngay cả những trận mưa sao băng kinh điển như Perseids thì mật độ tại thời điểm cực đại cũng chỉ đạt 2-3 sao băng/ phút, đó là chưa kể nhiều sao băng nằm ngoài tầm quan sát của chúng ta nên nếu quan sát được với mật độ 1 sao băng/ 2-3 phút đã được coi là may mắn. Chính vì thời gian trải dài như vậy nên muốn chụp được, chúng ta phải có những thiết bị có khả năng mở cửa trập trong thời gian lâu tương đương.


Danh sách những thiết bị xếp theo khả năng và chất lượng ảnh chụp:
Vị trí số 1: Máy ảnh DSLR, máy ảnh Mirrorless, máy chụp phim kèm các ống kính góc rộng đến cực rộng ( khuyến khích sử dụng các ống kính với tầm tiêu cự < 35mm trên máy fullframe, hoặc <24mm trên máy crop)
Vị trí số 2: Máy ảnh du lịch đã đựợc hack firmware tùy chỉnh như dslr, các dòng máy ảnh du lịch cao cấp có chế độ M, P, Av, Tv.
Vị trí số 3: Smartphone có khả năng chỉnh tay các thông số tốc độ, khẩu độ, iso khi chụp
Vị trí số 4: Webcam gắn với máy tính sử dụng phần mềm chuyên dụng để can thiệp tốc độ chụp.





Một thiết bị không thể thiếu đó là chiếc tripod để giữ vững thiết bị trong quá trình chụp. Ngoài ra nếu có thể bạn nên sử dụng thêm dây bấm mềm, điều khiển hồng ngoại đối với dslr, laptop và dây kết nối để điều khiển các thông số chụp, xem ảnh trực tiếp được tiện lợi hơn. Một túi vải mỏng trùm lên thiết bị để tránh sương đọng trong lúc chụp. Đối với đại đa số mọi người thì một chiếc chân đế EQ tích hợp sẵn động cơ bám nhật động hoặc một chân đế điện tử để đám theo chuyển động nhật động là một thứ hơi xa lạ nhưng nếu có chúng thì những bức ảnh của bạn chụp ra sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều, nó sẽ khắc phục được hiện tượng kéo vệt do nhật động gây ra khi chụp trong thời gian dài.



IV. Các kĩ thuật, thao tác chụp.
Nguyên tắc để chụp ảnh sao băng là mở cửa trập trong thời gian dài nhất có thể với hi vọng sẽ có một sao băng rơi đúng thời điểm. Thời gian chụp khuyến nghị từ 30s đến 5 phút tùy điều kiện ánh sáng. Sau đây là trình tự các bước chụp.
- B1: Chỉnh máy ảnh, điện thoại về chế độ chỉnh tay hoàn toàn. Đối với dslr vặn bánh xe về chế độ Bulb( nếu có) hoặc chế độ M rồi vặn bánh xe chỉnh tốc về chữ bulb để có thể chụp với thời gian lâu bao lâu tùy ý.

- B2: Lấy nét. Để lấy nét trong màn đêm tối đen như vậy, trước hết hãy tắt chế độ lấy nét tự động và chống rung trên ống kính, bật chế độ live view trên máy ảnh rồi zoom số hết cỡ vào một ngôi sao sáng hay một điểm sáng ở rất xa và lấy nét vào nó. Đối với các máy ảnh du lịch hay điện thoại ko thể lấy nét bằng tay, hãy lấy nét trước vào một vật thể sáng ở rất xa rồi khóa nét lại. Mục đích của tất cả những việc này là để máy lấy nét vào vô cực.



- B3: Đối với DSLR hay Microless, điều chỉnh tiêu cự phù hợp để lấy được hết vùng trời nơi đó. Tránh những đối tượng như người, cột đèn hay bât cứ nguồn sáng mạnh nào lọt vào khung hình. Bố cục cho hợp lí rồi khóa thật chặt tripod. Các thiết bị không có khả năng zoom quang tuyệt đối không nên zoom số, hãy chọn khung hình hoàn hảo nhất có thể.


- B4: Đối với DSLR và Mirorless, sau khi việc lấy nét, bố cục đã xong. Bạn hãy tùy chỉnh tiếp các thông số sau:
+ Thiết lập chụp ảnh với chất lượng cao nhất ( L) + định dạng RAW
+ Tùy chỉnh cân bằng trắng về chế độ đèn dây tóc hoặc chỉnh tay về khoảng ( 2500~3500k tùy môi trường nơi chụp)
+ Bật chế độ long exp noise reduction và mức standard trong high iso speed noise reduction
+ Nếu trời có nhiều mây thì chụp với thời gian 30~50s, nếu trời trong và đẹp thì chụp lâu hơn. Khép khoảng 2 stop so với khẩu max và chỉnh iso theo cho đúng sáng. ( Smart phone nếu không thể phơi sáng lâu như vậy, hãy thiết lập mức phơi sáng lâu nhất mà máy cho phép).
+ Mở chế độ khóa gương lật, chụp trễ 2s nếu bạn không có dây bấm mềm để tránh rung

-Đối với những thiết bị khác, các tùy chỉnh cũng tương tự nếu có. Việc có ngôi sao băng nào rơi vào trong hình hay không tùy thuộc vào sự may mắn và kiên nhẫn của bạn.
- Mẹo nhỏ: Bạn nên chọn một vị trí chụp cố định và đẹp nhất có thể và chỉ chụp ở đó từ đầu đến cuối buổi quan sát, tripod để cố định không can thiệp sao cho khi chụp xong, bạn có một seri ảnh mà khi ghép lại sẽ tạo ra một thước phim time lapse rất đẹp về bầu trời sao. Set đúng các thông số ngay trong lần đầu tiên để tránh các thao tác làm mất thời gian trong lúc chụp, đôi khi chính những lúc đó bạn sẽ bỏ lỡ vài vệt sao băng đấy. Hãy chuẩn bị tối thiểu một cục pin dự phòng hay gắn thêm grip vào nhé vì phơi sáng lâu như vậy cực kì tốn pin. Khi chụp được khoảng một nửa buổi, hãy tháo thẻ ra và thay thẻ khác hoặc cop ngay dữ liệu vào máy tính để đảm bảo an toàn, tránh sự cố mất mát dữ liệu không đáng có do những lỗi không lường trước được.


V. Xử lí ảnh sau khi chụp.
Nếu yêu cầu của bạn không cao, hãy khoe ngay chúng với bạn bè và chia sẻ trên mạng, nhưng nếu bạn là một người kĩ tính và không muốn tác phẩm của mính xuất hiện trước công chúng một cách tuyệt vời nhất thì hãy làm thêm những điều sau:

Sử dụng máy tính có cài sẵn các phần mềm chỉnh sửa ảnh thông tin dụng như GIMP, ACDsee, Photoshop, PhotoStudio. Ở đây mình hay sử dụng phần mềm Photoshop nên sẽ nói về phần mềm này. Hãy chọn những file Raw bạn cảm thấy tốt nhất và để vào một chỗ. Đảm bảo máy tính đang được cài đặt Camera Raw mới nhất. Thông thường việc chỉnh sửa không can thiệp nhiều đến chi tiết của bức ảnh vì ảnh sao băng là một thể loại không nên mắm muối nhiều như ảnh chân dung hay phong cảnh ban ngày. Những thứ như nhiệt độ màu, độ bão hòa màu, cân bằng sáng tối như thế nào là do sở thích của người chỉnh sửa. Việc chỉnh sửa nên làm ở đây là khử méo hình do ống kính gây ra, sửa hiện tượng tối 4 góc và viền tím xuất hiện ở những ngôi sao sáng. Trộn 2 ảnh JPEG được xuất từ 1 file RAW với mức phơi sáng -1Ev và +1EV để làm tăng chi tiết của ảnh. Khử noise nhẹ một chút và chuyển tông màu thiên về màu lạnh, dùng công cụ clone để xóa những chi tiết ngoài ý muốn. Cuối cùng là đóng dấu tên bạn vào bức ảnh kèm thời gian địa điểm chụp. Ảnh sao băng đẹp xuất phát từ việc bạn chọn bố cục và hướng sáng như thế nào, việc chỉnh sửa chỉ nâng cao định tính của bức ảnh thôi.

Hoàng Quốc Phương - Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội