Bài viết tổng kết này anh chẳng biết post vào đâu, đành phải đưa tạm vào đây vậy. Theo anh, Hoàng nên gom hết tất cả các bài liên quan đến cuộc thi Tên lửa nước (từ thông báo, thể lệ cuộc thi đến kế hoạch tổ chức...) vào một Subtopic để mọi người dễ tìm hiểu. Có thể đặt tên cho Subtopic là "Cuộc thi Tên lửa nước năm 2012 - Battle In The Sky" - Riêng anh xin gọi là "Thủy tiễn" cho nó ngắn gọn.

Trong buổi bắn thử hôm qua anh thấy có khoảng 18-19 đội tham dự, chỉ có một số ít đội làm thủy tiễn đạt yêu cầu (khoảng 5-6 đội), còn lại chất lượng rất kém, đặc biệt có đội chưa làm được gì cả (đội số 1) và 1 đội toàn bạn nữ làm mà như không làm. Nếu chất lượng các đội kém như vậy thì cuộc thi sẽ kém phần hấp dẫn và gay cấn vì chưa cần thi ta sẽ có thể đoán trước được phần thắng sẽ thuộc về ai rồi.

Sau đây là một số lỗi cơ bản của các đội (theo ý kiến của cá nhân anh):
1- Thủy tiễn bay không xa, bị đảo, lắc khi bay hoặc bị gió tạt khi bay. Lỗi này do các nguyên nhân sau:
- Phần thân và đầu thủy tiễn làm quá nhẹ, bị mất trọng tâm. Các bạn nên gắn thêm ít đất sét hoặc cho một vài con ốc bằng sắt vào đầu thủy tiễn cho nặng đầu --> tăng tính ổn định cho thủy tiễn.
- Nhiều đội làm phần cánh đuôi thủy tiễn không hợp lý hoặc rất ẩu. Không hợp lý ở chỗ cánh đuôi quá to và dày, nhưng lại hơi ngắn, khi đó, cánh đuôi sẽ trở thành vật cản trong quá trình bay chứ không phải là cánh dẫn hướng cho thủy tiễn nữa. Thực tế hôm qua cho thấy tất cả các đội có thủy tiễn bắn xa, đẹp và ổn định có cánh đuôi khá dài và hẹp, ôm sát vào thân thủy tiễn.
- Các bạn làm cánh đuôi ẩu ở chỗ sử dụng vật liệu không hợp lý, cụ thể là bìa các tông, bìa mica quá mỏng nên nó không gắn cứng được vào thân thủy tiễn mà cứ oặt ẹo "phất phơ theo gió", mấy cái đuôi bằng bìa giấy hoặc carton gặp nước thì mềm rũ ra như "chim sẻ gặp mưa". Ngoài ra còn có hiện tượng dán cánh đuôi xộc xệch, không thẳng theo thân thủy tiễn, cánh đuôi cong queo, không phẳng... Tất cả các yếu tố trên dẫn đến hậu quả là Thủy tiễn bay không được xa, đảo lắc loạn xạ.

2 - Thủy tiễn bị xì hơi, mất nước nên chỉ bay được vài mét hoặc... không chịu rời giàn phóng. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến lỗi này:
- Thứ nhất là do các bạn chưa biết cách gắn cố định các dây thít điện (lạt nhựa) vào ống 21 cho chặt nên khi bơm khí vào, áp suất cao (trong thủy tiễn) đẩy tụt dây lạt nhựa ra làm hở khí. Mục đích của bó lạt nhựa là để giữ chặt phần đuôi thủy tiễn vào giàn phóng, không cho nó phóng đi khi ta chưa bơm đủ áp suất mong muốn. Muốn vậy bó lạt nhựa đó phải được cố định thật chắc chắn vào ống phóng 21. Có nhiều cách khác nhau để đạt được điều đó, các bạn có thể tự nghĩ ra cách nào đó hợp lý hoặc liên hệ Nhóm Kỹ thuật của HAS để được hướng dẫn cụ thể.
- Thứ 2 là do các bạn chưa biết cách quấn dây băng tan khi lắp chai nhựa (đuôi thủy tiễn) vào ống phóng 21 cho kín nên bị hở khí khi bơm áp suất vào. Băng tan có tác dụng làm kín chỗ tiếp xúc giữa miệng chai nước với ống phóng 21, đo vậy khi quấn băng tan, các bạn lưu ý phải giữ cho dải băng thật phẳng, không để bị vặn xoắn, sau đó quấn cẩn thận từng vòng, phần trên thì mỏng, rồi quấn dầy dần xuống phía dưới. Khi lắp chai nhựa vào ống phóng 21, một phần của cuộn băng tan sẽ nằm trong khe tiếp xúc giữa miệng chai (đuôi thủy tiễn) và ống phóng 21 do đó làm kín hơi giữa giàn phóng và thủy tiễn. Anh thấy có một số đội quấn băng tan rất tốt, thủy tiễn hoàn toàn không bị xì hơi tí nào khi bơm.

Trên đây là mấy lỗi cơ bản nhất mà các đội thường gặp phải. Đội nào cần hướng dẫn kỹ hơnvề mặt kỹ thuật có thể trực tiếp liên hệ các anh Khánh, Chương, Đạt hoặc Quốc Anh.

Các bạn có ý kiến gì khác thì up luôn tại topic này nhé!