Trí tuệ nhân tạo và khi robot vẽ tranh chân dung giá 10.000 USD

Robot có thể tạo ra những bức tranh, nhưng liệu chúng có tính nghệ thuật và mang giá trị cao? Hai bức chân dung được tạo ra bởi máy móc gần đây đã trả lời câu hỏi này.

Bạn có từng nghĩ máy móc có thể tự vẽ một bức tranh nghệ thuật và họa sĩ sẽ nằm trong số những nghề được thay thế bởi robot hay không?

Tuần này, một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được bán đấu giá lần đầu tiên, trong khi một bức tranh do máy tính vẽ đầu năm nay đã rinh về giải thưởng quốc tế.

Cả hai đều là chân dung. Tác phẩm đầu tiên có tên Portrait of Edmond de Belamy (2018, tạm dịch: Chân dung của Edmond de Belamy). Đây là một tác phẩm in trên vải canvas, mô tả hình ảnh một người đàn ông hư cấu với đường nét mờ ảo.

Bức tranh trị giá 7.000-10.000 USD (tương đương 163-233 triệu đồng) khi được đem ra bán đấu giá bởi nhà bán đấu giá Christie’s’ ở thành phố New York vào ngày 25-10.

Đây sản phẩm của Công ty Obvious, được lập ra bởi một nhóm họa sĩ ở Paris (Pháp) gồm 3 thành viên là Hugo Caselles-Dupré, Pierre Fautrel và Gauthier Vernier.

Sử dụng mực, vải canvas và một thuật toán trí tuệ nhân tạo phức tạp có tên Generative Adversarial Network (tạm dịch: Hệ thống đối kháng sản sinh), nhóm họa sĩ 25 tuổi đang làm rung chuyển thế giới nghệ thuật, theo CNBC.

Nhóm này muốn chứng minh rằng trí tuệ nhân tạo có thể làm được nhiều thứ hơn, bên cạnh việc vận hành các xe tự lái hay dây chuyền sản xuất.

Trong khi đó, một bức tranh có tên The Butcher’s Son (tạm dịch: Con trai của đồ tể) - mô tả hình ảnh một người khỏa thân đang ngồi - đã thắng giải vàng tại lễ trao giải thường niên Lumen Prize hồi đầu năm nay.

Họa sĩ người Đức Mario Klingemann (cũng là người chọn tên cho bức tranh) đã sử dụng thuật toán để giúp máy tính hiểu được một bức chân dung sẽ trông như thế nào, sau đó tạo ra tác phẩm giống như được vẽ bởi con người.

Khuôn mặt của bức chân dung bị biến dạng với những đường nét máu me đúng với ý nghĩa liên quan tới đồ tể. Khi ban giám khảo quan sát The Butcher’s Son, họ nhận xét bức chân dung làm gợi nhớ đến những khuôn mặt méo mó trong các tác phẩm của họa sĩ tượng hình người Anh Francis Bacon vào thế kỷ 20.

Phần còn lại của chân dung được vẽ lỏng lẻo với màu da người nhìn khá tự nhiên. Có một số bộ phận dường như đã được khéo léo bỏ đi, chẳng hạn tay và cẳng tay.

Bà Carla Rapoport, nhà sáng lập Lumen Prize, cho biết tác phẩm The Butcher’s Son sử dụng lô gích có thể giống với lô gích để tạo ra Portrait of Edmond de Belamy của các họa sĩ Obvious.

Bà nói rằng Mario Klingemann là người đã quyết định đưa thuật toán gì vào trong máy tính và ông là người đã lựa chọn ra một trong số hàng ngàn bức ảnh mà máy tính tạo ra để tham gia cuộc thi của Lumen Prize.

"Bạn có thể dùng hoàn toàn máy tính để vẻ y như họa sĩ Van Gogh, nhưng điều đó sẽ không thú vị chút nào cả. Điều hấp dẫn là cách một họa sĩ trải nghiệm với công nghệ" - bà Carla Rapoport nhận định.

Tháng tới, trong một dấu hiệu cho thấy nghệ thuật số (digital art) đang trở thành xu thế chủ đạo, Lumen Prize sẽ mang 4 tác phẩm mới tới Trung Quốc trưng bày tại lễ hội về nghệ thuật số công chúng.

Theo https://iotvietnam.net/